Theo thống kê của Ngân hàng phát triển châu Á (ADB), tai nạn giao thông đã gây thiệt hại 15 tỉ USD/năm ở 10 nước thành viên của Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN). Ở các nước như Mi-an-ma, Cam-pu-chia và Lào, tai nạn giao thông chiếm 2-3% tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Năm ngoái, tai nạn giao thông gây thiệt hại cho nền kinh tế Cam-pu-chia 248 triệu USD, cao hơn rất nhiều so với 116 triệu USD năm 2003.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ở hầu hết các quốc gia đang phát triển, việc đô thị hóa “nóng”, thiếu sự quản lý trong việc thi hành luật an toàn giao thông, cơ sở hạ tầng yếu kém và những con đường đông đúc được xem là "cuộc khủng hoảng an toàn đường bộ". Để ngăn chặn “thảm họa” này, vào tháng 5 tới, Liên hợp quốc sẽ khởi động chương trình “Một thập kỷ hành động vì an toàn đường bộ” từ năm 2011 -2020, nhằm kêu gọi sự tài trợ của các tổ chức quốc tế cho các chương trình giáo dục an toàn giao thông. Một số tổ chức quốc tế cũng nêu đề xuất kiềm chế tai nạn giao thông như giới hạn tốc độ, đeo dây an toàn khi lái xe và đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy, nâng cao chất lượng đường sá và phổ biến kiến thức luật giao thông tới người dân tốt hơn.
Những biện pháp này trước đây đã từng áp dụng và đạt được những kết quả khả quan nhất định nhưng không giống nhau. Ví dụ, ở Cam-pu-chia, do cảnh sát thực thi luật pháp không nhất quán, nên chỉ bắt buộc lái xe đội mũ bảo hiểm, còn người ngồi sau không phải đội. Ở Việt Nam, việc thực hiện quy định nghiêm ngặt hơn nhưng chất lượng mũ bảo hiểm lại không đạt tiêu chuẩn.
Theo ông Xan, chuyên gia của tổ chức Handicap International, để làm giảm tỉ lệ người chết vì tai nạn giao thông không hề dễ dàng. Điều này đòi hỏi phải sửa đổi luật để phù hợp hơn. “Để làm được điều này đòi hỏi phải có thời gian, thậm chí chúng ta phải mất một thế hệ để thay đổi nhận thức của mọi người", ông Xan nói.
Kim Oanh