Có nên “bắt chước thiên nhiên”?
  Con kênh Nhiêu Lộc ở TP.HCM sau khi được đầu tư thích đáng đã có quy củ về mặt quy hoạch, kiến trúc nhưng sau khi bê tông hóa, vẫn còn đó một vấn đề…
 

Đó là vấn đề ô nhiễm

Cây cối hai bên đường bờ kênh hiện trồng ở xa bờ hoặc còn mới chưa thể che phủ và “làm mát” con kênh. Hơn thế nữa, nguồn nước đổ ra kênh thực tế là “đệ nhất bẩn”, màu sắc đen ngòm, nồng độ các tạp chất ngoài nước cao, gặp khí hậu Nam bộ nắng nóng bốc mùi… khó tả. Mỗi khi chiều đến, vào thời điểm nóng nhất trong ngày, mặt hồ sủi tăm, mùi hôi hám bốc lên nồng nặc, cư dân hai bên hồ và người đi đường buộc phải “lãnh đủ” nguồn khí này.


Công tác tôn tạo hiện nay về cơ bản là tốt nhưng chỉ giải quyết được cái bờ, còn tình hình môi trường nước thì có vẻ như phải chấp nhận đến… tương lai.

Để “lọc” hàng triệu mét khối nước bằng các công nghê đương đại xem chừng hơi khó và bất cập, vì tình hình kinh tế chưa cho phép.

Một biện pháp tự nhiên rất cần tham khảo

Đó là việc quy hoạch, thả bèo trên 70% diện tích mặt nước.

Năm 1995-1997, nhà tôi ở ngay trên mặt kênh này, đoạn nằm giữa ga Sài Gòn và đường Lê Văn Sỹ. Hồi đó chưa quy hoạch nên đây là một vùng nước tù túng, rộng chừng 10ha. Người dân xả chất thải trực tiếp xuống hồ rất bẩn, nhưng hồi đó nước không bốc mùi như bây giờ vì lớp rau muống dày và lớp bèo tây (lục bình) phủ kín bên trên.

Đặc biệt, rễ bèo, rễ rau muống còn có tác dụng “lọc” nước rất tốt. Dưới gầm lớp thảm thực vật này, nước luôn trong veo.

Về sau theo dõi, tôi còn thấy thêm một hình ảnh nữa ở đoạn kênh Tham Lương bây giờ là sườn tây Khu công nghiệp Tân Bình, có nhiều hộ dân làm nghề giết mổ bò lậu và chăn nuôi heo. Họ đổ xuống đoạn kênh trên mỗi ngày hàng vài tấn chất thải từ nguồn thực phẩm này, nhưng tại đây nước cũng ít mùi hôi vì lớp bèo ken dày trên chốc.

Như vậy, có căn cứ sơ bộ để nói rằng bộ rễ của lớp thực vật thủy sinh có chức năng tiêu hóa lớp chất hữu cơ chứa trong nước thải, tiêu luôn mùi hôi và lọc được nước bẩn thành nước trong.

Bây giờ, dùng các khuôn bằng những ống nhựa dài, nổi, giới hạn mặt kênh theo chiều dọc, mỗi bên chừa lại chừng 3m đủ cho xuồng của đội quản lý kênh đi lại. Bên ngoài diện tích này thả bèo tây hoặc rau muống, loại cây nhiệt đới này có sức phát triển rất nhanh và làm “nhiệm vụ” lọc nước như nói trên.

Vài tháng một lần, nếu thấy mật độ bèo dày hơn nhu cầu, cho vớt bớt lên, chở ra ngoại thành phục vụ vùng nông nghiệp làm phân bón. Đây là nguồn phân hữu cơ rất tốt, tốt hơn dùng phân hóa học nhiều.

Trên đây chỉ là nét phác về một phương án làm đẹp, làm sạch, làm xanh môi trường. Nó cần được các chuyên gia, các nhà khoa học tiếp sức nghiên cứu và hoàn thiện.

Làm được điều này cùng lúc giải quyết nhiều bài toán, trong đó bài toán “phủ xanh” cho con kênh, bài toán bảo vệ sức khỏe và bài toán tiết kiệm chi tiêu rất đáng quan tâm.

Bài và ảnh: Nguyễn Huy Cường
Theo Tamnhin.net

Các tin cũ hơn:

       Bookmark and Share           


 

 
  
 

Giáo dục phát triển | Công dân giáo dục | Thế giới trẻ | Văn minh đô thị | Tiếp thị xanh
VietnamMarcom Since 2001 Copyright © 2011. CauChuyen.VietnamMarcom - All rights reserved.