Theo ông Yvo de Boer, người đứng đầu Ban Thư ký Thay đổi Khí hậu Liên hợp quốc, thế giới sẽ chưa thể cắt giảm mạnh khí thải gây hiệu ứng nhà kính trong vòng một thập kỷ tới để giải quyết tình trạng ấm dần lên trên toàn cầu.
Tuy nhiên, mặc dù nhận định triển vọng kém sáng sủa trong ngắn hạn, song ông Boer vẫn tin rằng chính phủ các nước sẽ dần ban hành các mục tiêu đủ cứng rắn để giải quyết vấn đề mang tính sống, đòi hỏi sự hợp tác toàn cầu nói trên, chẳng hạn như các nước giàu cắt giảm 80% khí thải vào năm 2050.
Nhóm các nhà khoa học của Liên hợp quốc về thay đổi khí hậu khuyến nghị rằng đến năm 2010, các nước công nghiệp hóa cần cắt giảm 25-40% khí thải gây hiệu ứng nhà kính so với mức của năm 2020 để đối phó với hiện tượng ấm dần lên trên toàn cầu. Còn các nước đang phát triển, dẫn đầu là Trung Quốc và Ấn Độ, cần làm chậm mức tăng thải khí vào năm 2020 -một trong những bước đi đầu tiên nhằm ngăn chặn nguy cơ của lũ lụt, hạn hán, sa mạc hóa, sóng nhiệt và mực nước biển dâng cao.
Cho đến nay, những cam kết của các nước phát triển tại hội nghị thượng đỉnh về thay đổi khí hậu ở Côpenhaghen hồi tháng 12/09 là cắt giảm khí thải đi 13-14% so với mức của năm 2009. Nhưng theo ông Boer, cần cắt giảm khí thải với mức độ mạnh hơn thế.
Các bộ trưởng môi trường sẽ họp bàn tại hội nghị thường niên ở Cancun, Mêhicô cuối tháng 11/2010, trong đó một số quốc gia vẫn hy vọng tràn trề rằng sẽ đạt được hiệp ước ràng buộc mới về thay đổi khí hậu. Trước đây, ông de Boer từng nói rằng không thể đạt được một hiệp ước như thế vào năm 2010.
Hội nghị thượng đỉnh Côpenhaghen hồi tháng 12/09 khép lại bằng một thỏa thuận không ràng buộc về hạn chế mức tăng nhiệt độ dưới 2 độ C. Tại hội nghị này hầu hết các nước công nghiệp hóa nghiêng về phía đề xuất cắt giảm 80% khí thải gây hiệu ứng nhà kính vào năm 2050.
Theo Reuters