Ô nhiễm không khí: Người VN quan tâm nhưng “bí” cách giải quyết

Kết quả cuộc khảo sát gần đây của GE Energy cho thấy khoảng 2 trong số 3 người Việt Nam đánh giá ô nhiễm không khí là vấn đề môi trường đáng quan tâm hàng đầu. Tuy nhiên, kết quả cũng chỉ ra rằng, 2 trong số 3 người Việt Nam không biết rằng một trong những nguyên nhân chính gây ô nhiễm không khí là việc đốt nhiên liệu hóa thạch để phát điện.

Theo kết quả khảo sát, mức độ nhận biết về các nguyên nhân gây ô nhiễm không khí tại các nước láng giềng như Singapore, Malaysia và Indonesia đứng ở mức cao hơn so với Việt Nam. Hơn 55% người Singapore, 47% người Malaysia và 40% người Indonesia được khảo sát cho rằng việc đốt nhiên liệu hóa thạch để phát điện là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ra ô nhiễm không khí; Việt Nam chỉ đạt được mức 27%.

Tuy nhiên, mức độ nhận biết của người Việt Nam về các nguồn năng lượng tái sinh đứng ở mức tương đương so với Malaysia và Singapore, và cao hơn Indonesia. Cụ thể, thủy điện: VN (50%) MY (41%) SG (37%) ID (19%); Năng lượng mặt trời: VN ( 58%) MY (59% ) SG (55%) ID (25%); Gió: VN (33%) MY (53%) SG (47%) ID (9%).

Ông Ayumi Konishi - Giám đốc Ngân hàng Phát triển châu Á tại Việt Nam khẳng định: Hầu hết mọi người chỉ nhận thức được rằng nguyên nhân gây ô nhiễm chủ yếu đến từ những thứ họ có thể thấy hàng ngày như xe gắn máy, ô tô và khí thải từ nhà máy. Và một sự thật khá phổ biến khác là người dân ở các nước đang phát triển không nhận thức được một trong những nguyên nhân chính gây ra ô nhiễm không khí là từ việc đốt nhiên liệu hóa thạch để phát điện mà không có bất cứ cảnh báo nào. Trong khi tiếp tục hỗ trợ sử dụng than đá và khí gas tại Việt Nam để đáp ứng nhu cầu về năng lượng ngày càng tăng, chúng ta đang nỗ lực tập trung về các khía cạnh về môi trường và hỗ trợ thúc đẩy các nguồn năng lượng tái tạo với hy vọng đây sẽ là nguồn năng lượng chủ yếu trong tương lai cho sự phát triển bền vững của môi trường Việt Nam.

Cũng theo ông Konishi, điều quan trọng là phải đảm bảo mọi thành phần trong xã hội Việt Nam hiểu việc sử dụng năng lượng tái tạo có thể giảm thiểu được tình trạng ô nhiễm không khí. “Nếu tất cả tiểu thương, người nội trợ, sinh viên, công chức… đều hiểu rằng tiết kiệm sự dụng năng lượng hoặc đảm bảo việc sử dụng năng lượng hiệu quả sẽ giúp nâng cao chất lượng cuộc sống và đóng góp cho mục tiêu phát triển bền vững của đất nước, trong đó có phát triển kinh tế xã hội. Hơn nữa, với việc sử dụng năng lượng hiệu quả chúng ta có thể vượt chỉ tiêu của Chính phủ trong việc nâng cao nguồn cung năng lượng tái tạo và tiết kiệm năng lượng" - ông Konishi nói.

Ông Nguyễn Xuân Thắng, Giám đốc GE Energy tại Việt Nam cho biết: Việt Nam là một trong số ít các nước tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương được thiên nhiên ưu đãi với đủ các nguồn năng lượng tái sinh để cân bằng giữa sự phát triển kinh tế xã hội và nhu cầu bảo vệ môi trường. Bên cạnh một số lượng lớn các sông suối, Việt Nam có một đường bờ biển dài thích hợp cho việc khai thác năng lượng gió, và nguồn cung dồi dào các chất thải nông nghiệp để chuyển đổi thành năng lượng sinh học.

Công nghệ năng lượng tái tạo như năng lượng gió sẽ rất hữu ích đối với những nước đang phát triển như Việt Nam. Những trang trại gió khi hoạt động hoàn toàn không sản sinh ra khí carbon. Do đó bên cạnh việc giảm thiểu ô nhiễm không khí, việc sử dụng năng lượng gió còn giúp làm chậm quá trình cạn kiệt nguồn nhiên liệu hóa thạch của quốc gia như dầu mỏ và khí đốt.

Ông Thắng cũng ủng hộ các kế hoạch của chính phủ Việt Nam nhằm đẩy mạnh các dự án chuyển đổi chất thải thành năng lượng. Động cơ khí đốt đặc biệt rất phù hợp với Việt Nam do có quy mô tương đối nhỏ và có thể sử dụng chất thải nông nghiệp làm nhiên liệu. Một động cơ khí đốt cỡ nhỏ có khả năng cung cấp năng lượng cho một làng, và nếu nhiều động cơ như thế được triển khai ở những vùng sâu vùng xa, người dân không cần phải chờ mạng lưới điện quốc gia về đến làng nữa, mà vẫn có điện phục vụ sinh hoạt và sản xuất.

Bên cạnh việc Việt Nam ban hành Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, một báo cáo của Ngân hàng Thế giới cho biết Việt Nam cần phải đẩy mạnh tốc độ phát triển các công nghệ năng lượng tái tạo để giảm thiểu nạn ô nhiễm không khí xuất phát từ sự tăng trưởng kinh tế và đô thị hóa đang diễn ra nhanh chóng ở Việt Nam. Bản báo cáo chỉ ra rằng việc khuyến khích đầu tư vào những dự án năng lượng tái tạo không chỉ giúp Việt Nam có được một bầu không khí sạch hơn mà còn giúp tránh được việc trở thành nước nhập khẩu năng lượng trong những thập niên tiếp theo.

 

Nguồn DĐDN

       Bookmark and Share           


 

 
  
 

Giáo dục phát triển | Công dân giáo dục | Thế giới trẻ | Văn minh đô thị | Tiếp thị xanh
VietnamMarcom Since 2001 Copyright © 2011. CauChuyen.VietnamMarcom - All rights reserved.