Mưa lớn kéo dài những ngày qua khiến đồi núi bên đường Đông Trường Sơn ở huyện Sơn Tây (Quảng Ngãi) sạt nghiêm trọng. Hàng nghìn người dân, cán bộ, giáo viên nơi đây sống trong lo âu, sợ hãi dưới chân núi lở.
Tuyến đường qua huyện miền núi Sơn Tây dài hơn 20 km đang thi công nên khi mùa mưa về là xuất hiện hàng chục điểm sạt lở, có nơi bùn đất đỏ dày đến nửa mét. Từ thị trấn huyện Sơn Tây về xã Sơn Long chưa đầy 10 km thế nhưng phải mất hơn hai giờ trên con đường bùn đất đỏ và đá núi lởm chởm mới đến nơi. Tuyến đường ngoằn ngoèo, gấp khúc một bên là dãy vách núi dựng đứng in hằn nhiều vết sạt lở trống hoác, một bên là vực sâu thăm thẳm...
 |
Núi sạt lở cuốn đất, đá tràn xuống lòng đường Đông Trường Sơn gây cản trở giao thông. Ảnh: Trí Tín |
Những ngày qua, giáo viên trường THCS Sơn Long chưa hết sợ hãi vì một giáo viên của trường trên đường về quê dịp cuối tuần suýt chết do núi lở vùi lấp. Thầy giáo Lê Trần Hoài Thương, người may mắn thoát chết kể lại: "Tôi và vợ chạy xe máy về thăm nhà, vừa rời trường được vài cây số thì đất đá ào ào trên núi tuôn xuống đường như thác đổ, may mà hai vợ chồng kịp chạy thoát nạn trước khi cả mảng đồi với hàng trăm khối đất đá ập tới".
Cuối tuần, nhiều giáo viên công tác ở các trường học bên đường Đông Trường Sơn không dám về thăm nhà do sợ núi sạt vùi.
Cô giáo Trần Thị Thu, Hiệu trưởng trường Mầm Non Sơn Long cho biết, tình trạng này năm nào cũng vậy vì đường thi công chậm chạp. Hai vợ chồng cô giáo Thu đều dạy học, hai trường cách nhau chỉ 9 km, nhưng vào mùa mưa lũ năm nào cũng vậy mỗi tuần chỉ được gặp nhau một lần là quý lắm rồi. Núi lở gây tắc đường, cô lập hoàn toàn tuyến đường từ xã về trung tâm huyện có khi cả tuần, lương thực cạn kiệt đành hái lá rừng, mượn gạo của người dân trong xã ăn tạm.
 |
Đường Đông Trường Sơn ngập trong bùn đất đỏ khiến việc đi lại của người dân gặp nhiều khó khăn. Ảnh: Trí Tín |
Ông Đinh Văn Bách, người dân ở xã Sơn Long chỉ tay về phía những sườn núi trống hoác, đá còn vương vãi khắp mặt đường nói: "Đi lại trên đường Đông Trường Sơn bị đá từ trên núi rơi đuổi là chuyện thường ngày. Tuần trước, một phiến đá nặng khoảng vài chục ký bỗng từ trên cao lăn xuống trước bánh xe máy trong lúc tôi về huyện thăm bà con. Phải mất hơn 20 phút tôi mới định thần lại để đi tiếp".
Cách đây vài ngày, một công nhân tham gia thi công đường Đông Trường Sơn đã bị đá rơi gãy tay và vỡ xương quai hàm phải đưa đi cấp cứu ở bệnh viện.
Trao đổi với VnExpress.net sáng nay, ông Phạm Hồng Khuyến, Chủ tịch UBND xã Sơn Long lo lắng: "Mùa mưa lũ đã bắt đầu, thế nhưng huyện mới phân bổ cho xã khoảng 1,5 tấn gạo trong kho dự trữ. Nếu sạt lở núi gây cô lập kéo dài từ 7 ngày trở lên thì hơn 2.200 người dân trong xã sẽ rơi vào cảnh thiếu đói".
 |
Người đàn ông này đang loay hoay cố thoát ra bùn lầy do sạt lở núi trên tuyến đường Đông Trường Sơn để mang "chợ lưu động" về với xã vùng sâu Sơn Long. Ảnh: Trí Tín |
Trong khi đó, việc đi lại, buôn bán, trao đổi hàng hóa của hàng nghìn người dân sinh sống dọc theo đường cũng gặp nhiều khó khăn do đường sá lầy lội, ách tắc giao thông. Ông Đinh Văn Kha ở thôn RaPân than thở: "Có mấy buồng chuối muốn chở xuống chợ huyện bán cũng không được, do đi lại xe cứ mắc lầy trong bùn. Để ở nhà thì tư thương ép giá nhưng cũng đành phải bán rẻ bèo mua ít mắm, muối dùng nấu ăn qua ngày".
Hàng nghìn học sinh từ mầm non đến THCS mỗi ngày đến trường phải xắn quần đến tận gối. Để phòng con trượt ngã quần áo lấm lem bùn đất đỏ, nhiều phụ huynh đã dự phòng thêm một bộ đồ trong cặp sách để đến trường thay.
Để đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân, chính quyền địa phương các xã nằm dọc trên đường Đông Trường Sơn ở huyện Sơn Tây đã dùng loa khuyến cáo người dân cần quan sát, cẩn thận khi đi qua những khu vực núi từng xuất hiện điểm sạt lở.
Hiện tại sạt lở núi cũng đang uy hiếp hàng nghìn hộ dân ở 6 huyện miền núi: Tây Trà, Ba Tơ, Minh Long, Sơn Hà, Sơn Tây và Trà Bồng. Theo thống kê sơ bộ của các địa phương miền Trung, từ tháng 11/2007 đến nay, sạt lở núi do mưa lũ và khai thác đá, khai thác vàng đã làm hơn 40 người chết, hàng chục người bị thương.
Trí Tín