Dự kiến thế giới chào đón công dân thứ 7 tỉ của thế giới chào đời. Lúc đó, công dân thứ 6 tỉ, Adnan Nevic (Bosnia) vừa qua sinh nhật thứ 12 được hai tuần.
Thay vì lo lắng về những con số khi dân số thế giới đạt 7 tỉ, chúng ta nên nghĩ cách làm cho hành tinh trở thành một nơi tốt đẹp hơn để con người sinh sống.
|
Mất 250.000 năm, thế giới đạt con số 1 tỉ vào khoảng năm 1800. Hơn một thế kỷ sau, công dân thứ 2 tỉ chào đời vào năm 1927. Mất 32 năm, dân số thế giới đạt 3 tỉ. Từ 5 tỉ (năm 1987) lên 6 tỉ chỉ mất 12 năm. Theo ước tính của Liên hiệp quốc, vào năm 2050, thế giới sẽ có 9,3 tỉ người.
Nhân loại bắt đầu đổ khí thải nhà kính vào khí quyển không lâu sau khi cách mạng công nghiệp bắt đầu. Nước sạch giờ đây còn ít đến nỗi chương trình Môi trường Liên hiệp quốc (UNEP) dự định rằng trong chỉ 14 năm, 2/3 dân số thế giới sẽ sống ở những quốc gia khan hiếm nước. Phân nửa rừng nguyên sinh của thế giới đã bị đốn sạch để con người sử dụng đất, và UNEP cảnh báo rằng nguồn cá thế giới sẽ cạn kiệt thật sự vào giữa thế kỷ. Diện tích đất trồng của thế giới tăng thêm 13% kể từ khi bắt đầu đo đạc vào năm 1961, nhưng dân số lại tăng gấp đôi.
Trong thời đại con người là trung tâm, khi con người xuất hiện, thiên nhiên rút lui. Con người có nguy cơ gây ra nạn diệt vong thứ sáu, không chỉ bởi vì sự thèm khát vô bờ và công nghệ hiện đại, mà bởi vì chúng ta chiếm đóng hay sử dụng phần lớn đất đai ở các châu lục, ngoại trừ Nam Cực.
Lực lượng lao động và người phụ thuộc
“Cổ tức nhân khẩu” là lợi ích mà một quốc gia có được khi thành phần trẻ em tương đối ít (do giảm khả năng sinh sản), người già tương đối ít (do tử suất cao hơn), và lực lượng lao động nhiều tích cực thúc đẩy kinh tế. Đây là thời kỳ của các gia đình nhỏ, thu nhập tăng, tuổi thọ tăng và những thay đổi xã hội lớn, kể cả ly hôn, chậm hôn nhân và gia đình người độc thân. Tình hình này xảy ra ở châu Âu trong 1945 – 1975 và ở nhiều nước Đông Á trong 1980 – 2010.
Đến một lúc nào đó, thế hệ “vàng” biến thành “bạc”, khi ngày càng nhiều người lao động đến tuổi về hưu. Giờ đây, cổ tức trở thành gánh nợ. Dân số ngừng tăng hay thậm chí giảm, một phần của đất nước bị giới trẻ bỏ rơi và xã hội phải quan tâm nhiều hơn đến người già. Tình trạng này hiện tồn tại ở Nhật. Nó đang đến nhanh ở châu Âu và Mỹ, và chẳng bao lâu sau sẽ đến khu vực Đông Á.
Cổ tức nhân khẩu có xu hướng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bởi vì nhiều người ở độ tuổi lao động, thu nhập và tiết kiệm tăng, khiến cho nhu cầu hàng hoá và dịch vụ tăng. Một nghiên cứu của ngân hàng Trung ương Úc ước tính rằng, 1/3 tăng trưởng GDP của Đông Á thời gian 1965 – 1990 và khoảng 1/3 tăng trưởng GDP của Mỹ trong 2000 – 2010, nhờ vào mức tăng dân số.
Cả thế giới gặt hái cổ tức nhân khẩu trong 40 năm cho đến năm 2010. Vào 1970, cứ 75 người sống phụ thuộc 100 người lao động. Năm 2010, tỷ lệ này giảm còn 52. Một phần tốc độ tăng trưởng vượt bậc của Trung Quốc là do tỷ lệ người phụ thuộc thấp chưa từng có. Cứ 100 người lao động Trung Quốc phải nuôi 38 trẻ em và người trên 65 tuổi.
Đối mặt và quyết tâm
Theo một báo cáo tựa đề “Tình trạng dân số thế giới 2011” của quỹ Dân số Liên hiệp quốc, thay vì lo lắng về những con số khi dân số thế giới đạt 7 tỉ, chúng ta nên nghĩ cách làm cho hành tinh trở thành một nơi tốt đẹp hơn để con người sinh sống.
Ước tính 200 triệu phụ nữ khắp thế giới – kể cả 1/4 phụ nữ châu Phi – muốn ngừa thai nhưng không thể. Hơn hai trong số năm trường hợp thai nghén khắp thế giới là ngoài ý muốn, và khoảng phân nửa trong số này đẩy dân số tăng. Theo dữ liệu khảo sát, nếu tất cả phụ nữ đều có quyền quyết định có thai hay không, tỷ lệ sinh trung bình sẽ lập tức giảm xuống, chỉ hơn hai con/mỗi phụ nữ. Dân số sẽ theo đà giảm dần sau khi đạt mức đỉnh, có thể là trước năm 2050.
Cần một sự thay đổi nhanh chóng quy trình tiêu thụ năng lượng, nước và nguyên liệu thông qua bảo tồn, hiệu quả và công nghệ xanh. Cần phải xem những điều này như một hoạt động tiến hành đồng thời trên nhiều mặt trận.
Điều có ý nghĩa quyết định là phải phối hợp với giới trẻ, tạo môi trường cho họ phát huy năng lực kinh doanh của họ để thúc đẩy kinh tế. Số thanh niên dưới 25 tuổi hiện chiếm 43% dân số và đến 60% ở một số nước. Thành phần này phải được giáo dục và huấn luyện để các quốc gia có một lực lượng lao động tích cực. Không làm được việc này sẽ không thể có ý tưởng, sáng kiến cũng như thu nhập từ thuế. Một cổ tức nhân khẩu không tạo ra tăng trưởng, mà tuỳ theo nước đó có thể sử dụng lực lượng lao động đang tăng một cách có ích không.
Võ Phương (Reuters, Economist, Guardian)