Đối xử tử tế với tài nguyên
 
 
140 tỉ tấn/năm: Nhu cầu sử dụng tài nguyên của thế giới kể từ năm 2050.
 
 
Nhiều người nghĩ rằng môi trường xấu đi là cái giá phải trả để cho kinh tế tăng trưởng. Nhưng thế giới không thể và cũng không cần phải tiếp tục trả giá như vậy.

V ào khoảng năm 1900 loài người đã tiêu thụ 6 tỉ tấn tài nguyên. Đến năm 2000 con số này là 49 tỉ tấn và chỉ sau 10 năm đã nhảy vọt lên 59 tỉ tấn. Trong báo cáo mới nhất chuẩn bị cho Hội nghị Liên hiệp Quốc về Phát triển Bền vững năm 2012 gọi là Rio+20 diễn ra tại Rio de Janeiro vào tháng 6.2012, Ban Tài nguyên Quốc tế (IRP) thuộc Chương trình Môi trường Liên hiệp Quốc (UNEP) cho biết nhu cầu sử dụng tài nguyên của 9 tỉ dân kể từ năm 2050 sẽ lên đến 140 tỉ tấn mỗi năm. Con số này vượt xa khả năng cung cấp của trái đất.

Phát triển nền kinh tế xanh là tất yếu

Hiện nay, việc tiêu thụ tài nguyên của các nước đã và đang phát triển rất khác nhau. Bình quân đầu người tiêu thụ tài nguyên năm 2000 là 8-10 tấn mỗi năm, nhưng các nước phát triển (chỉ chiếm 1/5 dân số thế giới) lại sử dụng đến 16 tấn/người/năm, có nơi lên đến hơn 40 tấn. Trong khi đó, tại những nước đang phát triển như Ấn Độ, con số này chưa quá 4 tấn/người/năm. Sự chênh lệch trong cách khai thác và sử dụng tài nguyên giữa các cộng đồng đã nói lên mức độ phức tạp khi thế giới phải đối diện với bài toán hạn chế tiêu hao tài nguyên mà không làm chậm lại tốc độ tăng trưởng ở mỗi quốc gia.

Báo cáo của IRP đã nhấn mạnh đến việc phải phát triển nền kinh tế xanh mà một trong những nội dung quan trọng là tách riêng mức tiêu thụ tài nguyên ra khỏi tốc độ tăng trưởng. Điều hầu như không tưởng này lại là một giải pháp tất yếu nhằm giữ cho mức tiêu thụ tài nguyên nằm trong giới hạn bền vững trên quy mô toàn cầu. Bởi lẽ, các nước không thể tăng trưởng thêm trong khi tài nguyên mỗi ngày một khan hiếm. Có thể thấy, các nguồn dễ tiếp cận, dễ khai thác hoặc chất lượng cao gần như đã bị cạn kiệt. Và con người đang phải khai thác dầu mỏ, đồng, vàng và các tài nguyên khác trong điều kiện khắc nghiệt hơn và phí tổn cao gấp nhiều lần so với trước đây.

Achim Steiner, Phó Tổng Thư ký Liên hiệp Quốc, đồng thời là Giám đốc Điều hành UNEP, cho rằng sự tách riêng có ý nghĩa đối với tất cả các lĩnh vực kinh tế, xã hội và môi trường. “Tách riêng là một phần của quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế xanh với đặc tính là mức độ thải khí carbon thấp và sử dụng tài nguyên hiệu quả”, ông nói.

Quá trình tách riêng mức tiêu thụ tài nguyên ra khỏi tăng trưởng đang gặp không ít khó khăn, nhưng những thuận lợi của nó là không thể phủ nhận. Nhiều nhà hoạch định chính sách hiện vẫn còn mơ hồ về giới hạn vật lý của các nguồn tài nguyên. Khi các nguồn tài nguyên dễ tiếp cận đã bị cạn kiệt thì việc khai thác tài nguyên chất lượng thấp đòi hỏi sử dụng nhiều tiền, năng lượng và tàn phá môi trường nghiêm trọng hơn. Nhưng khi giá thành tài nguyên lên cao thì giới doanh nghiệp sẽ phải đẩy mạnh đầu tư vào nghiên cứu sáng tạo nhằm nâng cao hiệu năng sử dụng. Điều này đang diễn ra tại châu Phi, nơi các chính phủ đã và đang đầu tư vào điện thoại vô tuyến thay vì xây dựng đường dây cố định với kỹ thuật lạc hậu.

Báo cáo của IRP cũng đề cập đến tình trạng buôn bán qua lại các nguồn tài nguyên, làm cho ranh giới trách nhiệm giữa các nước khai thác, các nước chế biến và các nước tiêu thụ không còn rõ ràng. Vì thế, quy định rõ trách nhiệm về tài nguyên phải là một phần của các biện pháp liên quan đến cách ứng xử của mỗi nước.

Tuy nhiên, có một thuận lợi là xu hướng đô thị hóa lại có ích trong việc hạn chế sử dụng hoang phí tài nguyên. Điều này có thể được nhìn thấy qua cách các thành phố quản lý chất thải, tái chế, hệ thống cấp thoát nước, nhà ở, sử dụng năng lượng và vận tải.

Bên cạnh đó, những kỹ thuật mới cũng nhắm đến việc nâng cao hiệu năng sử dụng tài nguyên. Chẳng hạn, tưới nhỏ giọt có thể tiết kiệm nước đến 10 lần trong khi lại cho năng suất cây trồng cao hơn nhiều lần so với phương pháp dẫn thủy nhập điền truyền thống. Các sa mạc khô và nóng nay đã trở thành nhà máy năng lượng mặt trời cung cấp cho các thành phố thay cho việc sử dụng xăng dầu, than củi, đồng thời là nguồn xuất khẩu năng lượng của những nước nghèo.

Các quốc gia vào cuộc

Nhiều nước đã bắt đầu thay đổi thái độ đối với việc sử dụng tài nguyên bằng việc chuyển đổi dần sang nền kinh tế xanh. Chẳng hạn, Đức đặt ra mục tiêu đến năm 2020 sẽ tăng hiệu suất sử dụng tài nguyên lên gấp đôi, thay thế năng lượng hóa thạch bằng năng lượng tái tạo và giảm 30% khí thải carbon.

Trong khi đó, Nhật coi trọng xây dựng xã hội bền vững và hài hòa với thiên nhiên, tạo nên mẫu hình tiên tiến trong việc gia tăng hiệu năng tài nguyên và giảm thiểu tác động tiêu cực lên môi trường. Hiến pháp của Nam Phi, quốc gia đang chịu ảnh hưởng nặng nề bởi việc khai thác than và khoáng sản, cũng quy định điều luật phát triển bền vững và sử dụng tài nguyên theo kiểu sinh thái với các chính sách cụ thể.

Tương tự, Trung Quốc, quốc gia đông dân nhất thế giới, đang nhắm đến việc xây dựng một nền văn hóa sinh thái. Cuộc thử nghiệm Trung Quốc sẽ là bài học quý giá không chỉ cho các nền kinh tế mới nổi mà còn cho những nước nghèo đang trên con đường phát triển.

Tính khả thi của việc tách riêng mức tiêu thụ tài nguyên ra khỏi tăng trưởng có thể thấy rõ khi vào năm 1980, thế giới cần 2,1 tấn tài nguyên để tạo nên giá trị 1.000 USD thì đến năm 2002 con số này chỉ còn 1,6 tấn. Tuy nhiên, tốc độ này là quá chậm so với tình hình phát triển hiện nay của thế giới.

Báo cáo của IRP đã đưa ra các kịch bản khung làm cơ sở để thảo luận những sáng kiến kỹ thuật cho việc tách riêng được trình bày tại Hội nghị Rio+20 diễn ra vào tháng 6.2012. Có 3 kịch bản. Một là chỉ các nước đã công nghiệp hóa giữ mức tiêu thụ hiện nay và tổng nhu cầu thế giới hằng năm lên đến 140 tỉ tấn kể từ năm 2050. Hai là tất cả các nước đều cắt giảm hợp lý để giữ cho mức yêu cầu hằng năm không quá 70 tỉ tấn. Ba là thực hiện việc cắt giảm triệt để để duy trì mức tiêu thụ 49 tỉ tấn ngang bằng với năm 2000.

Mỗi kịch bản đều có những vị ngọt và vị đắng của nó. Vấn đề là các nhà hoạch định chính sách phải “pha chế” làm sao để nhân loại tồn tại hài hòa với thiên nhiên bằng cách thay đổi tư duy và sử dụng những biện pháp kỹ thuật phù hợp. 

Tác giả: Hoàng Xuân Phương   

       Bookmark and Share           


 

 
  
 

Giáo dục phát triển | Công dân giáo dục | Thế giới trẻ | Văn minh đô thị | Tiếp thị xanh
VietnamMarcom Since 2001 Copyright © 2011. CauChuyen.VietnamMarcom - All rights reserved.