Vấn đề thuế môi trường sau đây có thể khiến người tiêu dùng gánh những khoản chi tiêu cao hơn cho sản phẩm thường ngày chứ không chỉ là những công ty nhựa. Tuần qua, một số công ty bao bì nhựa đã bắt đầu kêu than. Trong khi đó, đại diện 3 hiệp hội dệt may, da giày, thủy sản đã gửi thư kêu cứu Bộ trưởng Bộ Tài chính về loại thuế suất này.
Công ty Nhựa Tân Tiến chuyên cung cấp bao bì nhựa với doanh thu năm 2011 là 1.570 tỉ đồng, khối lượng hàng hóa trung bình 10.000 tấn/năm. Với thuế suất môi trường liên quan đến túi ny-lon (40.000 đồng/kg) được thực thi từ đầu năm 2012, mỗi tháng công ty này sẽ phải trả thêm 20 tỉ đồng tiền thuế. Từ đó, giá thành bao bì sẽ tăng lên 46 %.
Theo thông tin từ Nhựa Tân Tiến, một khách hàng lớn của công ty này là Unilever (trung bình mỗi tháng tiêu thụ khoảng 30% sản phẩm bao bì nhựa của Tân Tiến) đã đánh tiếng sẽ không chấp nhận phương án tăng giá bao bì nhựa (bất chấp việc công ty nhựa phải chịu thuế này). Unilever có thể sẽ nhập các sản phẩm thay thế từ Indonesia, Thái Lan (do thuế suất từ các nước này vào Việt Nam bằng 0%). Không chỉ nhập bao bì, các doanh nghiệp sản xuất có sử dụng bao bì còn đang tính đến giải pháp sẽ nhập hàng hóa đóng gói sẵn để không phải chịu thuế.
Đối với các ngành dệt may, da giày, thủy sản, chi phí bao bì đóng gói chiếm từ 1,5-5% giá thành sản phẩm. Và luật thuế môi trường cũng đã làm chi phí sản phẩm đầu ra tăng từ 30-50%.
Đánh thuế trên túi ny-lon như một biện pháp bảo vệ môi trường là đúng. Nhưng vấn đề đặt ra là từ ngữ trong văn bản quy định thuế với việc thu thuế thực tế đang gây ra nhiều tranh cãi. Và có thể, người tiêu dùng cuối cùng sẽ phải chịu thiệt.
Hiểu sao cho đúng?
Luật Thuế môi trường ở Điều 2 định nghĩa rõ “túi ny-lon thuộc diện chịu thuế là loại túi, bao bì được làm từ màng nhựa đơn Polyethylen, tên kỹ thuật là túi xốp”. Trong khi đó, Nghị định 67/2007/NĐ-CP ngày 8.8.2011 lại quy định khác: “Túi ny-lon thuộc diện chịu thuế là loại túi, bao bì nhựa mỏng làm từ màng nhựa đơn HDPE, LDPE hoặc LLDPE, trừ bao bì đóng gói sẵn hàng hóa và túi ny-lon đáp ứng tiêu chí thân thiện với môi trường theo quy định của Bộ Tài nguyên và Môi trường”.
Theo cách hiểu thứ nhất, có thể thấy mục đích của Chính phủ là muốn đánh thuế lên túi ny-lon. Nhưng theo cách hiểu thứ hai, những loại sản phẩm bao bì nào có thành phần vật liệu liên quan đến nhựa PE đều phải chịu thuế. Nghĩa là bao bì nhựa cho các sản phẩm tiêu dùng đều chịu thuế.
Cách hiểu này cũng giống như việc nói rằng, nếu thu thuế trên các sản phẩm làm từ thép thì không chỉ thu trên các thanh, thỏi, tấm thép sản xuất ra mà thu vào cả những mặt hàng liên quan đến thép như xe cộ, máy móc thiết bị (vì trong đó có thép).
Nếu hiểu theo cách này thì chuyện gì sẽ xảy ra khi nhựa PE là thành phần cấu thành bao bì rất nhiều thứ như túi trà, cà phê, bánh kẹo, mì ăn liền, nước giải khát, gạo, nông sản sấy khô, muối, đường, bột ngọt, túi đựng thủy hải sản, thịt, hàng tiêu dùng, các sản phẩm phục vụ cho lĩnh vực nông nghiệp, y tế, công nghiệp. Hầu như bao bì nhựa nào cũng đều có thành phần là nhựa PE.
Và hệ quả là gì?
Bao bì thông thường chiếm từ 5-10% tổng giá thành sản phẩm. Mức thu thuế rất cao và được hiểu là đánh trên tất cả như thế sẽ dẫn đến giá thành bao bì tăng xấp xỉ gấp đôi giá hiện tại, dẫn đến giá bán các sản phẩm cuối cùng đến người tiêu dùng có thể tăng từ 5-10%.
Cũng có thể xảy ra việc, vì chi phí bao bì tăng, nhà sản xuất có thể nhập khẩu, tăng giá bán. Một số công ty có thể trục lợi bằng cách nhập lậu bao bì không chịu thuế từ Trung Quốc, Lào, Campuchia, Thái Lan về Việt Nam để hưởng chênh lệch giá.
Không chỉ dừng lại ở đó, các nhà sản xuất nước ngoài sẽ nhập hàng vào Việt Nam với bao bì có giá rẻ hơn một nửa so với bao bì trong nước. Như vậy, họ sẽ có lợi thế cạnh tranh rất lớn với các doanh nghiệp nội địa trong một cơ chế không mấy có lợi ngay trên sân nhà.
Một số doanh nghiệp sử dụng bao bì nhiều có thể lách thuế bằng cách tự mở nhà máy sản xuất bao bì thành một phân xưởng nội bộ, hoặc mua hẳn một công ty bao bì rồi sáp nhập thành phân xưởng nội bộ để đóng gói hàng hóa, tránh việc chịu thuế bảo vệ môi trường. Điều này có thể sẽ góp phần xóa sổ các doanh nghiệp có quy mô nhỏ, dẫn đến hệ lụy độc quyền.
Tất cả những ảnh hưởng nêu trên đối với doanh nghiệp sản xuất bao bì, doanh nghiệp sử dụng bao bì cũng như người tiêu dùng có thể đều tạo nên những hệ lụy cho nền kinh tế. Người nông dân vốn bấp bênh với giá gạo nay sẽ gặp thêm khó khăn khi đối diện giá bao bì đột ngột tăng gấp đôi. Tương tự, hàng chục triệu nông dân trong lĩnh vực trà, cà phê, thủy hải sản, muối, đường cũng cùng chung cảnh khổ khi sau một đêm tỉnh giấc lại thấy khó chồng thêm khó.
Các nhà máy sản xuất hạt nhựa vệ tinh quanh các cụm Công nghiệp hóa dầu có còn tiếp tục đầu tư để giải quyết việc nhập siêu nguyên liệu nhựa hàng tỉ USD một năm hay không khi đầu ra đang lơ lửng mức thuế bảo vệ môi trường? Các nhà đầu tư ngành nhựa nghĩ gì khi mức thuế đột ngột lên đến hơn 130% giá trị nguyên liệu (thuế 40.000 đồng/kg trong khi hạt nhựa PE hiện tại khoảng 30.000 đồng/kg đã bao gồm thuế giá trị gia tăng)? Trong khi đó, đầu tư ngành nhựa cần dài hơi hàng chục năm để khấu hao và phát triển. Liệu mức thuế này có đảm bảo được mục đích cuối cùng là bảo vệ môi trường hay không khi tất cả những sản phẩm thay thế đều hạn chế tính năng và tác động đến môi trường không hề ít hơn sản phẩm nhựa?
Nói về vấn đề này, có lẽ giới chức trách phải tìm thêm những hướng dẫn chi tiết, mang tính hàn lâm và có những định tính định lượng khoa học rõ ràng với sự tham khảo, tư vấn từ các nhà chuyên môn. 