Không thể cứ đổ tiền vào phễu!

PGS.TS Đỗ Đức Định

Trước khi nghiên cứu về châu Phi, PGS.TS Đỗ Đức Định đã nghiên cứu các nước châu Á, mô hình phát triển kinh tế Việt Nam, quan hệ kinh tế giữa Việt Nam và các nước phát triển như Mỹ, Nhật… Đã tới hơn 50 nước để làm việc, công tác, nay ở tuổi nghỉ ngơi, ông dồn thời gian nghiên cứu, so sánh giữa Việt Nam và các nước. Câu chuyện với ông bắt đầu từ những vấn đề nóng bỏng của đất nước hiện nay.

Lợi ích của người dân phải được quan tâm nhiều hơn

Chuyện vốn nhà nước thất thoát, nợ xấu ngân hàng, doanh nghiệp phá sản hàng loạt, thất nghiệp gia tăng, ô nhiễm môi trường, cưỡng chế đất đai, áp lực giá cả, mỗi quan hệ giữa người và người trở nên lỏng lẻo… là những vấn đề nóng trên diễn đàn Quốc hội. Ông có nhận ra ở đây le lói tia sáng nào cho sự phát triển?

Với tình hình kinh tế – xã hội trong nước hiện nay, tôi có hai nhận xét tương đối khác biệt nhau.

Thứ nhất, xét về xu hướng phát triển, sau gần 30 năm đổi mới, chúng ta đã có những bước đi ban đầu khả quan. Nền kinh tế so với lúc bắt đầu đổi mới đã tăng trưởng rất mạnh. Đặc biệt, xu hướng chuyển sang kinh tế thị trường ngày càng rõ nét, người dân thấy xu hướng này là tốt, góp phần nâng cao đời sống, thu nhập… và đây là xu hướng không thể đảo ngược. Thế nhưng, vẫn có một số chính sách, hoạt động kinh tế xã hội cản trở sự phát triển, đi ngược, là lực cản lớn cho xu hướng đó. Ví dụ, những bất bình của người dân, với khoảng 70% liên quan đến đất đai. Điều đó cho thấy người ta ít quan tâm đến lợi ích của người lao động, như chuyện nông dân ở Văn Giang hay nhiều nơi khác.

Đầu tư của Nhà nước thời gian qua quá thiên lệch vào những cái chúng ta không có năng lực tốt để làm. Những vụ thất thoát, thua lỗ chưa từng có ở Vinashin, Vinalines… là minh chứng. Chúng ta đầu tư quá nhiều vào những tổng công ty, tập đoàn lớn, trái với nghị quyết Trung ương trước đây là chuyển dần, tiến tới cổ phẩn hoá các doanh nghiệp nhà nước… Cách lập tập đoàn lớn chẳng khác gì trước đây lập “hợp tác xã quy mô lớn”, là những mảnh ghép của các đơn vị nhỏ, rời rạc, do một ông chủ nhiệm không có năng lực đứng đầu cùng với các xã viên thiếu kiến thức kinh doanh hợp lại, do đó chỉ sau một thời gian ngắn đã phải giải thể. Mà ghép nhỏ thành lớn có phải do sức nó lớn đâu? Tôi gọi đó là dựng lên những cái phễu rỗng. Cũng hình kim tự tháp đấy, nhưng mô hình tập đoàn ở các nước được xếp từ những tấm đá lớn, các công ty lớn mạnh hợp lại, vững bền; còn ở ta, là cái phễu rỗng được tạo ra đơn giản chỉ bằng một quyết định hành chính, không có cơ sở khả thi, vì thế càng đổ nhiều tiền vào thì càng thất thoát lớn. Đến nay, các số liệu đã được kiểm chứng cho thấy khoảng 1/3 cho đến một nửa các tập đoàn đang thua lỗ nặng. Nếu điều tra kỹ hơn thì theo tôi, con số còn lớn hơn.

PGS.TS Đỗ Đức Định hiện là chủ tịch Hội đồng khoa học, trung tâm Nghiên cứu kinh tế xã hội; nguyên là viện trưởng viện Nghiên cứu Trung Đông và châu Phi (viện Khoa học xã hội Việt Nam). Ông từng có dịp giảng dạy tại đại học Harvard (Mỹ) và đang là chuyên gia tư vấn kinh tế cho một số quốc gia Phi châu như Tanzania, Kenya…

Thứ hai, chúng ta quá duy ý chí, phát triển công nghiệp nặng thì cũng theo khi không có đủ vốn, công nghệ, nguồn nhân lực để phát triển. Anh còn suy nhược cơ thể mà phải gánh quá nặng nên đi cứ chúi xuống, như đứa trẻ đầu quá to còn thân hình teo tóp. Hậu quả, các ngành đó thua lỗ, thất thoát nặng, làm hại nền kinh tế, là không tránh khỏi.

Tia sáng ở đây là đã đến lúc phải nâng phát triển kinh tế thị trường lên một tầm cao mới. Chiều hướng vận hành nền kinh tế bằng tư duy duy ý chí, không quan tâm đến lợi ích của người lao động phải mau chóng được chấn chỉnh.

Nguyên phó Thủ tướng Vũ Khoan nói “mỗi người hãy góp chút vôi vữa để chỉnh sửa ngôi nhà kinh tế của nước ta hiện có chiều xiêu vẹo”. Còn ông “bắt mạch” cảm xúc người dân hiện nay ra sao?

Người dân lúc này đan xen giữa vui và buồn. So với lúc đầu đổi mới, đời sống người dân khá hơn nên có niềm vui. Còn buồn là đến giai đoạn này, lợi ích của họ ít được quan tâm, trong khi chứng kiến ngày càng nhiều lực cản đối với sự tiến bộ của đất nước. Nếu chỉ so riêng chúng ta với nhau, so bây giờ với lúc bắt đầu đổi mới, hay thời điểm sau chiến tranh còn đang thiếu đói, thì chúng ta hơn. Nhưng nếu so với những nước xung quanh, có cùng điều kiện xuất phát từ những năm 50 của thế kỷ trước, như Thái Lan, Indonesia thì có khoảng cách… Thu nhập bình quân đầu người của Malaysia hiện đã gần 10.000 USD/người.

Qua thực tế công tác, ông có thể kể một câu chuyện cho thấy rõ nhất tình trạng chênh lệch giàu nghèo ở Việt Nam hiện nay?

Tôi muốn so sánh xu hướng phát triển giữa Việt Nam với những nơi khác. Ở Nhật Bản, Hàn Quốc, từ giữa những năm 50 của thế kỷ trước, với 20% dân số giàu và 20% dân số nghèo nhất thì chênh lệch giàu nghèo của họ là 20 lần, đến nay, còn năm lần. Còn ở Việt Nam, đầu thời kỳ đổi mới, bình quân chủ nghĩa, mọi người nghèo như nhau, mà có người nói vui là “bình đẳng trong nghèo đói”. Nhưng đến nay, chênh lệch trên mười lần. Như vậy chúng ta đi ngược lại với xu hướng của Nhật Bản, Hàn Quốc. Thực tế rõ ràng, mọi người có thể nhìn thấy những hình ảnh phản cảm: nhiều vị khoe sở hữu các ngôi biệt thự, khu vui chơi giải trí sang trọng bên cạnh nhiều người vất vưởng ngoài đường, thậm chí đi nhặt rác.

“Food or taLK” - “ăn hay nói”?

Khi hai yếu tố vật chất – tinh thần cùng được nâng lên thì quyền tự chủ, quyền phát ngôn sẽ cao hơn. Nhưng, rất khó để trong một giai đoạn ngắn có thể chuyển biến được điều đó. Theo ông, đây có phải là thời điểm phù hợp để người dân nói chung, trí thức, doanh nhân, nghệ sĩ… nói riêng chấp nhận ăn ít hơn để phản biện nhiều hơn?

Cái đó thì hoàn toàn đúng thôi, nhưng không phải ăn ít đi để nói nhiều hơn. Khi thảo luận với một số nhà hoạt động, thiết lập chính sách ở các nước châu Phi, tôi có nói các nước nghèo như châu Phi, Việt Nam phải có sự lựa chọn giữa “food” và “talk”, tức là giữa quyền được ăn và quyền được nói. Mỗi nước có sự lựa chọn riêng. Châu Âu, như Thuỵ Điển, Đức, Pháp… phát triển rồi, họ chọn chạy theo mốt và nói dân chủ từ lâu và đây không còn là nhu cầu bức bách. Châu Phi và Việt Nam vẫn còn hai sự lựa chọn đó, nhưng có ngược lại một chút là ở châu Phi, họ đấu tranh dân chủ nhiều hơn, nghĩ đến sản xuất lương thực thực phẩm ít hơn nên họ vẫn đói hơn Việt Nam.

Người dân lúc này đan xen giữa vui và buồn. So với lúc đầu đổi mới, đời sống người dân khá hơn nên có niềm vui. Còn buồn là đến giai đoạn này, lợi ích của họ ít được quan tâm, trong khi chứng kiến ngày càng nhiều lực cản đối với sự tiến bộ của đất nước.

Trong khi đó ở Việt Nam, qua thời kỳ đổi mới vừa rồi, chúng ta chú ý hơn đến cái ăn cái mặc nên chuyện cái ăn, cái mặc có cải thiện. Từ những năm 1945 – 1946, Bác Hồ đã đặt tên nước là Việt Nam Dân chủ Cộng hoà – một đất nước mà Bác nghĩ dân phải có cơm ăn áo mặc, được học hành, có tiếng nói, có tự do báo chí. Đến giai đoạn hiện nay, trình độ nhận thức chung của người Việt cao hơn nhiều so với hồi giữa thế kỷ trước, thì không thể không chú ý đến dân chủ. Lời nói của người dân phải đến được người nghe ở mức độ cao hơn, được luật pháp bảo vệ.

Ông từng đề cập đến “đổi mới vòng một”. Sự khác biệt của “vòng một” và “vòng hai” là thế nào?

Từ 1986 đến nay, Việt Nam đã thực hiện công cuộc đổi mới vòng một, hay “bước đi ban đầu” với ba bước nhỏ từ “nền kinh tế hàng hoá nhiều thành phần” sang “cơ chế kinh tế thị trường”, rồi “nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”. Cuộc đổi mới này về cơ bản khá thành công, nhưng nay đang chững lại vì không đủ tầm nữa, do nền kinh tế đã chuyển từ thu nhập thấp sang trung bình ở mức thấp. Để đáp ứng những đòi hỏi của tình hình thực tế mới, cần chuyển sang đổi mới vòng hai với nội dung cơ bản là phát triển kinh tế thị trường xã hội. Đây là khái niệm có một số nước dùng, như Đức.

Kinh tế thị trường xã hội khác kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở chỗ: thị trường là cạnh tranh, nhưng “định hướng xã hội chủ nghĩa” lại dựa vào tổng công ty, tập đoàn nhà nước lớn, Nhà nước vẫn thâu tóm nhiều lĩnh vực, thì đấy là độc quyền. Trong trường hợp này, chữ “kinh tế thị trường” và “định hướng xã hội chủ nghĩa” chọi nhau. Còn “kinh tế thị trường xã hội” là bổ sung cho nhau, vừa tăng trưởng nhanh, vừa giải quyết được những vấn đề xã hội. Thuỵ Điển có mô hình “nhà nước phúc lợi xã hội” thì chi phí quá cao cho phúc lợi, nên hạn chế thúc đẩy động lực tăng trưởng, động lực kinh doanh. Còn với Việt Nam, trước hết phải phát triển kinh tế thị trường để đạt được tốc độ tăng trưởng tương đối cao, từ đó dành một phần thích đáng để phát triển lợi ích xã hội, an sinh xã hội và bảo vệ môi trường.

Một số nước hoạch định sự phát triển của quốc gia thông qua chỉ số “tổng hạnh phúc quốc gia” (GNH), như Bhutan. Theo quốc vương nước này, GNH quan trọng hơn tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Còn ở Việt Nam, Bí thư thành uỷ Hội An, ông Nguyễn Sự, từng hứa khi được trao giải thưởng Phan Châu Trinh là Hội An phải dằn ước muốn tăng GDP để tránh đổ vỡ và thay vào đó là tăng “GDP hạnh phúc”. Ông đánh giá thế nào về những định hướng này?

GNH là một quan niệm mới, về cơ bản là muốn có cuộc sống hạnh phúc thì phải chú ý tới “chất”. Nâng cao chất lượng sống, sức khoẻ, giáo dục, môi trường, là những yếu tố đáng quan tâm, nhưng chưa phải mang tính thực tế. Việt Nam đang ở mức phát triển trung bình bậc thấp thì đầu tiên vẫn phải là tăng trưởng kinh tế. Nếu không thì không có cái gì để cải thiện chất lượng. Khi có tăng trưởng, bên cạnh một phần dành để tái tích luỹ cho nền kinh tế phát triển, phải dành một phần để phát triển phúc lợi. Chứ nếu đánh đổi giữa “tổng hạnh phúc quốc gia” với hy sinh tăng trưởng GDP thì sẽ là một sai lầm lớn.

Cách lập tập đoàn lớn chẳng khác gì trước đây lập “hợp tác xã quy mô lớn”, là những mảnh ghép của các đơn vị nhỏ, rời rạc, do một ông chủ nhiệm không có năng lực đứng đầu cùng với các xã viên thiếu kiến thức kinh doanh hợp lại.

Mô hình của Bhutan tôi có nghe, còn ông Sự ở Hội An mà nói đến điều đó thì hơi khó hiểu. Làm sao ở Việt Nam lại có một ốc đảo nhỏ sống khác với những chỗ khác? Hội An có lợi thế là khu vực có cơ sở vật chất, văn hoá mà lịch sử để lại, nay có thể dựa vào đó để phát triển du lịch, thay cho người nông dân phải trồng lúa, ngư dân đánh cá… nên dựa vào du lịch và có thu nhập khá hơn. Nếu tập trung phát triển du lịch, đảm bảo tốt di sản văn hoá, di sản lịch sử để kiếm tiền từ đó thì hoàn toàn đúng, còn nói không cần những yếu tố về tăng trưởng thì lại sai lầm lớn.

Tôi nghĩ Bhutan là quốc gia còn tương đối sơ khai so với thế giới hiện đại. Đi du lịch, người ta muốn đến những nơi có sinh thái tốt, chỗ còn dấu ấn của thời kỳ trước khi thế giới hiện đại phát triển. Đó là một trong những điểm du lịch “lạ” thôi. Cứ thấy người ta vậy mà mình theo là không được đâu. Là nước nhỏ nhưng muốn phát triển toàn diện thì không thể. Anh phải có sự lựa chọn và lựa chọn của Việt Nam là tập trung vào những lợi thế hiện nay, mười năm, nửa thế kỷ sau... Ví dụ, lợi thế hiện nay của chúng ta là nông – lâm – ngư nghiệp, lao động còn ở mức giá thấp… Nếu có công nghiệp thì đó là công nghiệp lắp ráp, điện tử, vô tuyến, sử dụng lao động giá rẻ…

Đó là những vấn đề thuộc về “quản trị quốc gia, địa phương”, còn đối với “quản trị cá nhân”, theo ông, cần làm gì để không rơi vào cảnh… đổ tiền vào phễu?

Nhiều người từ chỗ nghèo, nay muốn làm giàu cực nhanh. Họ mạo hiểm kinh doanh bằng tiền đi vay lãi cao… Hãy coi chừng cách này. Trong kinh doanh cá nhân, anh cũng phải tuân thủ những quy luật của thị trường, phải tận tuỵ làm, sống bằng công sức, đóng góp, tiết kiệm của anh. Thứ hai là anh phải sẵn sàng chấp nhận sống vừa phải thôi, chứ cứ ham dùng “đòn bẩy”, đầu cơ để mau chóng làm giàu… thì cũng sẽ sụp đổ như các tập đoàn.

Xin đừng lạc quan tếu

Giữa uống bia và làm vườn, ông thích hoạt động nào hơn?

Mỗi cái có cái hay riêng, nhưng đều không mất quá nhiều thời gian. Một, hai tuần tôi gặp bạn bè uống bia một lần. Qua ly bia, mình có dịp trao đổi, giao lưu với bạn bè. Vui vẻ thôi, chứ không lấy đó làm cái cớ để nói xấu vợ hay nói xấu bất kỳ ai (cười). Đôi khi có gì không hay lắm thì cũng chỉ phàn nàn một chút thôi. Còn ở nhà, tôi gom góp cây trồng cho mảnh vườn nhỏ có tính sinh thái để nghỉ ngơi cuối tuần.

Ông nói chuyện, diễn thuyết rất hóm hỉnh, hay trích dẫn thơ văn nên phần trình bày hấp dẫn hơn, thính giả được thư giãn. Như vậy thì ông phải ghi nhớ nhiều từ văn chương nghệ thuật?

Là nhà kinh tế, mình kết hợp vài câu ví von của văn chương có liên quan để thể hiện ý tứ cho mượt mà hơn. Ví dụ, ông Tố Hữu nói “đường ta rộng thênh thang tám thước”. Bây giờ hội nhập mà vẫn nhìn con đường “thênh thang” như thế thì, lạc hậu đến thế nào. Mình có ba người bạn ở Tanzania muốn sang Việt Nam làm nghiên cứu sinh nhưng không được nhận vì không biết tiếng Việt, tại sao bộ Giáo dục – Đào tạo không bổ sung quy chế học bằng tiếng Anh hay một ngôn ngữ quốc tế thông dụng nào đó để tiếp nhận nghiên cứu sinh quốc tế? Có một bài hát về anh du kích đi vào rừng cười khúc khích một mình rồi cất tiếng hát vang. Trong thế giới hội nhập, nếu anh tự sướng, cười một mình rồi cất tiếng hát như thế thì còn hội nhập gì!

Ngày trước, Văn Cao viết Tiến về Hà Nội khi quân giải phóng vẫn ở trong rừng. Người ta phê ông là lạc quan tếu. Còn Việt Nam, thu nhập bình quân đầu người mới hơn 1.000 đôla Mỹ, đặt mục tiêu chưa đầy mười năm nữa, đến 2020 cơ bản trở thành nước công nghiệp hướng hiện đại thì chẳng “lạc quan tếu” là gì? Tôi vừa đọc một bài nghiên cứu thấy nói Bắc Triều Tiên tuyên bố năm 2020 cũng trở thành “nước lớn cường thịnh” nên nghĩ: lạc quan tếu có cái hay là giúp phấn khởi để tiến lên, nhưng có cái dở là đến một lúc nào đấy sẽ thất vọng. Văn Cao nói trước sẽ tiến về Hà Nội và điều ông nói đã thành sự thật. Nhưng năm 2020, nếu Việt Nam không trở thành nước công nghiệp thì làm sao?

thực hiện: Bùi Dũng
chân dung hội hoạ: Hoàng Tường

source: http://sgtt.vn

       Bookmark and Share           


 

 
  
 

Giáo dục phát triển | Công dân giáo dục | Thế giới trẻ | Văn minh đô thị | Tiếp thị xanh
VietnamMarcom Since 2001 Copyright © 2011. CauChuyen.VietnamMarcom - All rights reserved.