Họ vẫn sáng sáng chiều chiều có nhau. Ít ai ngờ 22 năm trước, bà Mã Thị Nơi (hiện 48 tuổi) bàng hoàng biết chồng mình là ông Lê Ngọc Huỳnh (57 tuổi) mắc chứng tâm thần phân liệt dù họ đã yêu nhau gần 10 năm trời.
 |
Bà Mã Thị Nơi chăm lo bữa cơm cho con trai lớn Lê Huỳnh Anh tại nhà trọ ở Q.3, TP.HCM - Ảnh: HOÀNG THẠCH VÂN
|
Đó là một ngày năm 1990, cô sơn nữ vùng Lạng Sơn nghe tin chồng - lúc ấy đang là diễn viên Nhà hát Tuổi Trẻ (Hà Nội) - phát điên trên sân khấu.
Nước mắt trên đường dài
Ông Huỳnh và gia đình giấu bà chuyện ông bị sốc nặng trong lần nghe tin em trai hi sinh. Chứng tâm thần phân liệt khiến ông lâu lâu “lên cơn” chửi bới, nói chuyện một mình và ảo tưởng. Nhiều người khuyên bà Nơi rời bỏ người chồng nửa điên nửa tỉnh khi bà Nơi là cô gái có ăn học, gia đình cũng khá giả, bà hoàn toàn có thể rời bỏ người chồng mà theo lời nhiều người là không mong đợi gì để tìm cho mình hạnh phúc mới.
Song trong trái tim cô gái dân tộc Nùng chỉ dậy lên tình yêu và thương cảm với người chồng mới cưới. Bà nhớ lại: “Lúc đó tôi suy nghĩ một đêm, rồi tự an ủi rằng mình còn may mắn hơn nhiều người có chồng cờ bạc rượu chè. Tôi nói với anh chị mình dù chồng em thế nào em cũng quyết định chung sống”.
Thời gian đầu còn chút vốn liếng nên hai vợ chồng cũng sống được qua ngày. Ông thường xuyên cầm cái máy ảnh chụp bằng phim mà trước đây ông hay dùng khi đi diễn, qua khắp các con đường để... chụp hình cho bất cứ người nào ông gặp. Về nhà, khi không đòi được bà đưa tiền đi rửa ảnh, ông lại lên cơn chửi bới. Vậy mà bà quyết định có con với ông. “Bệnh của chồng tôi không di truyền. Trừ những lúc phát bệnh thì ông là người hiền lành, phụ giúp tôi trông nom nhà cửa” - bà nói. Ngày bà mang thai đứa con đầu lòng cũng là ngày bắt đầu chuỗi cơ cực của người vợ trẻ một mình lo cho mái ấm. Sắp thêm một miệng ăn và bao nhiêu thứ phải lo. Nghe hàng xóm mách, bà đun ấm chè tươi 5 lít rồi mang theo hai cái ly ra ngõ. Bán lâu ngày cũng chẳng còn ai lạ để mời, bà lò dò ra ga mời chào. Mỗi ngày bán hết ấm chè, bà mua được nửa ký gạo, mớ rau và đậu phộng về rang muối ăn nguyên ngày.
Ế ẩm, bà chuyển sang bán ngô (bắp) nướng. 4g30 sáng, bà cuốc bộ đến chợ Đồng Xuân (Hà Nội) cách nhà 5km, mặc cả rồi vác về bao ngô 20kg. “Trời lạnh như cắt da. Tôi quên mất cái bao trên vai và bụng chửa vượt mặt, cắm cúi đi để về nhà thật nhanh. Không có ai ở nhà, lỡ chồng tôi xảy ra chuyện gì...” - bà nhớ lại. Những ngày bà bị thai hành, ông “xung phong” đi vác ngô. Về tới nhà bao ngô chẳng thấy đâu, vì ông đi đường cứ ghé hết nhà này đến nhà nọ để biếu! Không biết bao lần bà vừa đi vừa quệt mồ hôi xen lẫn nước mắt trên con đường dài.
Đứa con sinh ra khỏe mạnh và kháu khỉnh là niềm an ủi lớn nhất của bà. Bà chuyển qua bán trà đá, tay ẵm con, tay đập đá rót trà. Bên trong nhà, người chồng lúc thì lên cơn nói chuyện một mình, lúc ngủ nguyên ngày không hay biết vợ con mình đấu với nắng mưa kiếm từng đồng tiền lẻ. Hai năm sau, bà dành vốn mở quán cơm trước nhà.
 |
Bà Nơi, ông Huỳnh cùng hai con - Ảnh nhân vật cung cấp |
Nụ hoa hé nở...
Năm 1995, bà có bầu đứa con thứ hai. Liên tiếp một tuần bà không thấy ông “lên cơn” như mọi lần. Một buổi trưa, ông bước ra phụ bà mang cơm cho khách. Bà nhìn ông, đánh rớt cái vá đang lấy dở
thức ăn. Mấy ngày sau ông lại như cũ. Rồi ông lại tỉnh. “Tôi bắt đầu nhen nhóm hi vọng một ngày nào đó chồng mình sẽ khỏi bệnh, sẽ cùng tôi lo cho hai đứa con. Tôi nói chuyện thường xuyên với chồng hơn, nhờ chồng phụ bê đĩa cơm, lau cái bàn, thối tiền cho khách. Hi vọng cứ nhen lên...” - bà nói mà ánh mắt như vẫn còn nguyên niềm hi vọng năm nào.
“Hi vọng cứ nhen lên” ấy cuối cùng cũng bừng thành ngọn lửa mừng vui. Ông đã khỏi bệnh. Ông Huỳnh mỗi khi nhắc chuyện khỏi bệnh của mình hệt như ông đang nói về phép mầu: “Ngày bác sĩ xác nhận tình trạng của tôi đã ổn định, tôi rơi nước mắt nắm chặt tay vợ”. Bà từ đây không còn cảnh ôm cô con gái nghẹn ngào tủi nhục nữa. “Có lần con gái tôi tập võ bị gãy tay. Về nhà cháu không khóc, còn nói đưa cho con chiếc ghế để kê cái tay gãy, tay kia giặt đồ phụ mẹ” - bà kể về động lực sống của mình như thế.
Bà đang ở TP.HCM thăm con trai. 22 năm chăm chồng nuôi con, đây là lần thứ hai bà xa nhà, đều là vì con. Con gái út Lê Hồng Anh là vận động viên taekwondo của đội tuyển quốc gia từ năm 2011. Con trai lớn Lê Huỳnh Anh trước đây cũng là vận động viên taekwondo của đội tuyển Hà Nội. Rồi con trai bà rẽ sang đường nghệ thuật, có lẽ nối nghiệp cha. Bà để con mình tự do vào Sài Gòn lập nghiệp.
Bà với chồng vẫn ngày ngày bán trà đá trước chung cư ở Q.Hà Đông, Hà Nội. Ông chạy xe ôm kiếm thêm. Mỗi khi ông có “mối” đi đóng phim đóng kịch, bà vừa bán trà đá vừa đợi ông về để nghe ông kể chuyện trường quay, chuyện diễn xuất. Cao hứng, ông lại hát cho bà nghe bài hát mà hơn 20 năm trước ông tự biên tự diễn để tặng bà: “Tí ta tí tách, những giọt sương mai, rơi từ kẽ lá, thức cả rừng cây. Nụ hoa hé nở, đón ánh mặt trời”...
YẾN TRINH - ĐỖ PHI
source: http://tuoitre.vn