Dù đói nghèo vẫn quyết không đói chữ

Có lẽ vì đã trải qua tột cùng cơ cực, vì mặc cảm mọi thua thiệt đều xuất phát từ lý do ít học nên ông bà đã truyền cho các con quyết tâm học hành. Học, để không phải chịu những gì ba mẹ mình từng chịu đựng…

Khó khăn chồng chất
Vợ chồng ông Phan Chắt.

Sau ngày đất nước thống nhất, vợ chồng ông Phan Chắt dắt díu hai con nhỏ rời bỏ miền quê nghèo Cam Ranh tới lập nghiệp tại vùng kinh tế mới Krông Bông, huyện rừng núi xa xôi nhất của tỉnh Dăk Lăk. Không sao kể hết những khó khăn, thiếu thốn của gia đình nhỏ giữa bốn bề hoang vu, thiếu từ miếng ăn tới cái mặc, thiếu cả tiếng nói con người. Thế nhưng bệnh tật, đói nghèo cũng không đánh gục được ông. Ông vẫn sống, vẫn bền bỉ cùng bà vượt qua mọi khó khăn để nuôi đàn con lúc này đã lên tới sáu đứa. Rồi các con lần lượt vào cấp một. Từ bé chúng đã tự biết phân chia nhau buổi tới trường, buổi còn lại phụ mẹ cha quần quật với những công việc nhà nông. Tối đến, dưới sự giám sát chặt chẽ của ông, đứa lớn miệt mài kèm đứa nhỏ. Cả gia đình dù luôn trong tình cảnh “đói vàng mắt”, nhưng không bao giờ lơ là sự học.

Vùng đất Krông Bông khi đó năm nào cũng phải hứng chịu cảnh lụt lội, mất mùa. Để duy trì cuộc sống gia đình và các con có thể tới trường đều đặn, ông Chắt mở tiệm may tại nhà làm thêm, còn bà chắt chiu góp nhặt từng đồng tiền đẫm mồ hôi từ nghề buôn bán. Thật may, càng chứng kiến ba mẹ vất vả thì các con càng ý thức được sự quan trọng của việc học. Người con lớn của ông bà, bác sĩ Phan Thị Hồng Oanh, hiện công tác tại bệnh viện Gia Định (TP.HCM), nhớ lại, suốt những năm học cấp ba, chuyện chị phải ôm bụng đói tới trường là chuyện hàng ngày… Đã vậy, con đường đất đỏ cứ mưa xuống là lầy lội, phải vác xe đạp lên vai mới lội qua được những khúc sình ngang đầu gối, quãng đường mười cây số từ trường học phải mất ba, bốn tiếng mới về tới nhà. Vậy mà chị đậu á khoa đại học Tây Nguyên, nhận học bổng toàn phần suốt sáu năm đại học. Năm người em cũng nối gót chị vào đại học và nay đều là kỹ sư, dược sĩ.

Muôn mặt thử thách
Chị Ánh Tuyết, người con thứ năm, bên mẹ trong ngày vui nhận bằng dược sĩ.

Khi gia đình ông Chắt chuyển sang trồng cây càphê, mọi người đã hy vọng cuộc sống khó khăn sớm chấm dứt khi cây tới kỳ cho thu hoạch. Thế nhưng trong giai đoạn kinh tế khủng hoảng năm 2001, càphê rớt giá kỷ lục khiến toàn bộ công sức của cả gia đình dồn vào trong bao năm bỗng chốc tan thành mây khói. Cũng đúng thời gian này, hai người con kế nhận giấy báo trúng tuyển đại học cùng một lúc. Vậy là ông bà lại động viên nhau gồng mình lo cho các con tròn sự học. Hàng ngày, ông tới các bản làng dân tộc mua gom mật ong chở đi bán tận Cam Ranh, còn bà lọc cọc với chiếc xe đạp cà tàng chở nặng heo giống vượt hàng chục cây số đường đất tới các tỉnh lân cận bán cho người ta kiếm chút tiền lời từ 3 giờ sáng tới lúc tối mịt. Lao động quá sức đã khiến bà sẩy thai tổng cộng sáu lần… Nhắc tới ba mẹ mình, anh Phan Quốc Bảo, kỹ sư điện tử tốt nghiệp đại học Bách Khoa, ngậm ngùi: “Sự hy sinh mà ba má dành cho chúng tôi thật vô bờ bến. Chính ba má đã truyền cho chúng tôi sinh khí và sức mạnh để tập trung cho việc học…”

Khi khó khăn dần qua, gia đình ông Chắt lại đối đầu với những thử thách mới. Có giai đoạn càphê đứng giá cao ngất ngưởng, cả vùng đất nơi gia đình ông ở đều bị cuốn vào vòng xoáy của đồng tiền. Hầu hết các gia đình đều cho con cái nghỉ học để phụ thu hái càphê, thậm chí vợ chồng ông còn bị cười chê khi vẫn cho con đeo đẳng việc học. Bỏ ngoài tai những lời dè bỉu, ông bà vẫn động viên các con ráng học nhiều hơn, học giùm cho cả phần thua thiệt của cuộc đời mẹ, cha… Có lần Toàn – tên cậu con út – ham chơi bỏ học, ông bị mời lên làm việc với nhà trường. Đó chính là lần đầu tiên trong đời ông bắt con nằm sấp và phạt một roi thật nặng. Cảm nhận được nỗi thất vọng của cha, từ đó Toàn lao vào học. Hiện anh đã là kỹ sư môi trường tốt nghiệp đại học Bách khoa và đang theo đuổi văn bằng hai đại học Kinh tế.

Mọi quyết tâm của cả gia đình rồi cũng được tưởng thưởng xứng đáng, khi hiện cả sáu người con vợ chồng ông Chắt đều đã có nghề nghiệp và vị trí nhất định trong xã hội. Thế nhưng vợ chồng ông vẫn chưa cho phép mình được ngơi nghỉ. Tuổi đã cao, ông bà vẫn giữ nếp lao động miệt mài như những tháng ngày cơ cực trước đây. Ông tâm sự: “Nhìn thấy các con luôn có ý thức yêu thương, bảo bọc nhau là chúng tôi mãn nguyện rồi. Chỉ mong các con nhìn vào cha mẹ mà rèn cho mình tính cần cù nhẫn nại, và đừng bao giờ làm điều gì để phải tự hổ thẹn với lương tâm!”

bài: Hương Vũ
ảnh: Nguyên Bảo
source: http://sgtt.vn

       Bookmark and Share           


 

 
  
 

Giáo dục phát triển | Công dân giáo dục | Thế giới trẻ | Văn minh đô thị | Tiếp thị xanh
VietnamMarcom Since 2001 Copyright © 2011. CauChuyen.VietnamMarcom - All rights reserved.