Niềm tin người mẹ và cuộc vượt thoát kỳ lạ của đứa con

Con tôi bị tai nạn là một cái họa, nhưng tôi lại được hai cái phúc, một là cháu nó qua được, dù bây giờ vẫn chưa thể phục hồi, hai nữa là ông trời cho tôi một cô con dâu như trong mơ". Lúc này tôi mới biết, cô gái này lại là một câu chuyện kỳ lạ nữa. 

Nghe tin con trai bị tai nạn, chị đứng bần thần không khóc được thành tiếng. Một sự trùng hợp ngẫu nhiên, 9 tháng 10 ngày con trai chị, anh Nguyễn Phú Tài hôn mê cũng là những ngày người mẹ ấy như thêm một lần mang nặng, đẻ đau đứa con bé bỏng.

Hồi sinh kỳ diệu

Mẹ.Mẹ...! Tiếng kêu rất khẽ của anh Nguyễn Phú Tài vang lên sau những ngày hôn mê bị hòa tan bởi tiếng máy xay sinh tố. Nhưng bản năng của người mẹ với những tần sóng riêng đã giúp chị Nguyễn Thị Chinh thoảng giật mình. Chị vội tắt máy xay sinh tố, đôi tai gióng lên hết cỡ để xác định lại âm thanh rất nhỏ vừa phát ra.

Mẹ...! thêm một tiếng gọi nữa, chị òa chạy đến con, tay chân luống cuống...rồi chị áp nhẹ tai mình vào miệng con, nói dồn dập: "Tài ơi, con gọi mẹ phải không con. Con tỉnh rồi phải không ?. Con gọi mẹ nữa đi".

Chị ngắt lời. Không có thêm một tiếng gọi nào nữa. Chị lại luống cuống: "Tài ơi, nếu con tỉnh rồi con chớp mắt dài cho mẹ con nhé. Mẹ xin con".

Mắt chị nhìn chong chong vào khuôn mặt con đang méo xệch hình hài. Lần này chị đã không phải thất vọng, đôi mắt nhắm nghiền của anh đột nhiên rướn mở, rồi chớp dài một quãng. Người mẹ ấy hạnh phúc tưởng như được sinh ra anh một lần nữa.

Anh Nguyễn Phú Tài và người yêu, Ảnh Hồ Viết Thịnh

Nghe tin bệnh nhân Phạm Phú Tài tỉnh. Cô y tá vội vàng chạy đến, ông cụ cùng phòng với anh Tài lập cập rời giường bước sang. Cả bệnh viện nhốn nháo, rầm rập tiếng chân. Nhìn thấy chị Chinh ôm con khóc như muốn ngất, ai cũng thấy nước mắt mình giàn dụa. Anh Tài vẫn nằm bất động trên giường, nhưng nước mắt cũng đã chảy thành hai dòng. Anh đã hồi sinh, một sự hồi sinh kỳ lạ...

Cách đây hơn 9 tháng, trong một chuyến công tác cùng đơn vị chàng lính trẻ Phạm Phú Tài (Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 601- Quân khu I) không may ngã từ xe của đơn vị xuống đường. Anh được người dân thị trấn Ba Hàng đưa vào bệnh viện 91, rồi được chuyển khẩn cấp ra bệnh viện 108 (Hà Nội) cấp cứu. Nhìn bệnh nhân mới đưa vào, bị văng mất một phần trên hộp sọ, trạng thái mê man bất tỉnh, bác sĩ sau khi thăm khám nhìn chị Chinh buông giọng u buồn: "Bệnh nhân bị trọng thương rất nặng, sự sống chỉ còn 1% thôi". Nghe vậy, chị nắm lấy tay bác sĩ lắc liên hồi: "Mọi sự em xin bác sĩ, còn một chút hi vọng, bác sĩ cũng cứu con em nhé".

Mỗi ngày qua đi, niềm tin ở sự hồi sinh của con trai cứ vơi đi trong chị một ít, nhưng không bao giờ cạn. Những ngày chăm sóc con, chị nuôi hi vọng và động viên mình bằng những vần thơ. Đó cũng là lúc chị bắt đầu đặt bút viết những dòng đầu tiên trên cuốn sổ nhật ký về những ngày chăm con.

Trong đó có bài thơ mà chị vẫn còn nhớ: "Thu qua, xuân đến, đông về/Hôm nay lại đến mùa hè sắp qua/Mà sao con vẫn nằm kia/Tái tê lòng mẹ bao giờ mới nguôi/Chắp tay con lạy phật trời/Cứu nhân độ thế, cứu người trần gian". Đúng 10 ngày sau khi chị viết bài thơ này, thì anh Tài cất tiếng gọi mẹ.

Vĩ thanh tình yêu

"Con tôi bị tai nạn là một cái họa, nhưng tôi lại được hai cái phúc, một là cháu nó qua được, dù bây giờ vẫn chưa thể phục hồi, hai nữa là ông trời cho tôi một cô con dâu như trong mơ" - chị Chinh vừa nói, vừa vỗ tay vào một cô gái đứng bên cạnh. Lúc này tôi mới biết, cô gái này lại là một câu chuyện kỳ lạ nữa.

Tên cô gái đó là Nông Thị Phượng quê ở Bắc Giang vừa tốt nghiệp trường Cao đẳng Y tế Thái Nguyên, cũng là vợ tương lai của Tài. Một thời gian sau khi hồi tỉnh ở bệnh viện 108, anh Tài được đưa về điều trị tại bệnh viện 91 (tỉnh Phú Thọ).

Đến tháng 4 năm 2011 với những biến chuyển tích cực, mẹ anh xin đưa anh về điều trị ngoại trú tại Viện điều dưỡng của tỉnh Thái Nguyên. Lúc đó, do phải mở bán cầu hộp sọ (hở 1/3) nên chân và tay anh vẫn không thể cử động được.

Những ngày ở Viện điều dưỡng cũng chính là nơi mở đầu cho chuyện tình đẹp của anh với Phượng. Đứng nem nép bên người yêu mình, Phượng kể: "Khi đó em đang là sinh viên thực tập. Hàng ngày thấy một mình mẹ phải vất vả chăm sóc anh, lại thấy anh dù bệnh tật như thế mà vẫn luôn tếu đùa, em thương lắm. Em thường xuyên qua lại chuyện trò, những khi mẹ mệt thì em thay mẹ xoa bóp cho anh". Ấn tượng với cô gái nhỏ nhắn, giàu tình thương người chị Chinh xin nhận Phượng là con nuôi. Không chần chừ, Phượng gật đầu đồng ý.

Bắt đầu bằng tình thương đơn thuần của một cô sinh viên học ngành y, nhưng tình cảm của Phượng với anh Tài cứ lớn lên từng ngày. Mẹ anh kể, có hôm chị bước vào phòng thì thấy Phượng đang úp mặt vào anh khóc nức nở.

Lúc đầu, cứ tưởng anh trêu đùa hay làm gì để cô con nuôi tủi thân, đến khi truy vấn chị mới biết được, trong lúc tâm sự với Phượng, anh Tài kể mới nghe tin người yêu đi lấy chồng. Đó là mối tình kéo dài ba năm của anh. "Anh ấy kể, giọng buồn lắm. Em cứ tự hỏi sao mà anh khổ thế...nên càng thương" - Phượng nói. Từ sau buổi nói chuyện hôm đó, chị Chinh bắt đầu để ý thấy những hành động khác lạ của cô con nuôi, mọi sự chăm sóc đối với Tài dường như tiềm ẩn một tình thương khác với tình anh, em đơn thuần.

"Khi cảm nhận được mình đã yêu Phượng rồi, tôi lại ngập ngừng...vì tôi biết nếu yêu tôi thì Phượng sẽ rất khổ"- anh Tài nói. Còn Phượng cô cũng không dễ dàng bộc lộ tình cảm của mình, chỉ đến khi mẹ nuôi của cô, cũng là mẹ ruột của Tài cất tiếng hỏi: "Con yêu Tài phải không?", lúc đó Phượng mới khẽ khàng gật đầu.

Ngay sau đó, chị lại chính là cầu nối xe duyên cho hai đứa con của mình. Chị nói với Tài, nếu con cũng thương em nó thì nên nói rõ tình cảm của mình cho em ấy biết. Mất mấy ngày suy nghĩ, anh Tài mới ngập ngừng nhắn cho Phượng một tin nhắn ngắn cũn: "Phượng à, anh yêu em lắm đấy". Nhận được tin nhắn của người mình thầm yêu, Phượng cũng lém lỉnh nhắn lại: "Em cũng yêu anh mất rồi. Nhưng anh yêu em mà không lấy em thì không được đâu nhé". Tài nhắn tiếp: Không lấy thì sao?. Phượng trả lời: Em sẽ có cách bắt anh lấy em.

Tình yêu đã tìm được tiếng nói chung, nhưng đó cũng chính là lúc cả Tài và Phượng phải đấu tranh rất gắt gao để vượt qua ngưỡng cửa từ phía bố mẹ của Phượng. Nghe tin con gái mình yêu và muốn lấy một anh lính đang phải ngồi xe lăn, tay chân đều bất động và não đang khuyết đi một phần...bố mẹ Phượng hết lời khuyên ngăn. Anh, chị của Phượng ban đầu cũng hết sức phản đối cuộc hôn nhân này, nhưng khi trực tiếp gặp Tài họ cũng dần thuận lòng.

Cuối cùng, Phượng đành phải nói dối bố mẹ, chọn lúc bố mẹ vui vẻ cô liền thủ thỉ: "Bố mẹ ơi, con và anh ấy yêu nhau từ lâu rồi, trước cả khi anh ấy tai nạn. Giờ anh ấy bị thế, con bỏ anh ấy thì sao đành. Hơn nữa con cũng là người học y, con không muốn bị người ta gọi là người phụ bạc". Đến lúc đó, bố Phượng mới thở dài buông tiếng: "Thôi thì chúng mày đã yêu nhau từ trước thì giờ nó gặp nạn thì càng phải yêu thương nhau con ạ".

Bây giờ, căn phòng nhỏ nơi Tài đang điều trị luôn ăm ắp tiếng cười nói. Những bệnh nhân ở cùng phòng Tài gọi Phượng là cô tiên nhỏ, vì Phượng luôn tìm cách làm cho người yêu và mọi người vui vẻ lên. Tôi hỏi, học xong rồi em định thế nào. Phượng quay sang Tài, lấy tay véo nhẹ lên mũi anh nói: Em sẽ dành ra mấy năm, chăm cho anh này khỏe đã rồi mới tính anh này". Tài cũng với tay, véo lấy tai người yêu, nụ cười dãn ra đầy hạnh phúc.
Hồ Viết Thịnh
source: http://vietnamnet.vn

 

       Bookmark and Share           


 

 
  
 

Giáo dục phát triển | Công dân giáo dục | Thế giới trẻ | Văn minh đô thị | Tiếp thị xanh
VietnamMarcom Since 2001 Copyright © 2011. CauChuyen.VietnamMarcom - All rights reserved.