Nhà giáo Phạm Toàn đang chuẩn bị những bước cuối cùng cho buổi công bố sách giáo khoa tiểu học 2012 của nhóm Cánh Buồm vào cuối tuần này. Chia sẻ về câu chuyện lớn hơn sách giáo khoa, về giáo dục nói chung, ông nói: “Giáo dục đang lạc lối, nếu không cải tổ thì sẽ dẫn tới nhiều “cái chết”.
Ông nghĩ sao về việc cần một cuộc tổng điều tra xem giáo dục đang thiếu gì?
Tôi cho rằng ý kiến này xa hành động. Điều tra gì nữa, ai cũng biết rồi.
Trong cải cách giáo dục hiện nay có nhiều giải pháp: hướng ngoại, “vọng cổ”, kèm nhiều hình thức “xã hội hoá” với nhiều nguyên lý khác nhau. Lý do nào khiến Cánh Buồm gắn mình với nguyên lý hiện đại hoá?
Chúng tôi cho rằng hiện đại là mục tiêu và hiện đại hoá là phương pháp dẫn đến mục tiêu. Dân tộc ta, đất nước ta phải hiện đại hoá để sống còn thì nền giáo dục của dân tộc ta, của đất nước ta, cũng phải theo quỹ đạo đó. Công cuộc công nghiệp hoá không chỉ hướng đến những nhà xưởng bề thế và các sản phẩm công nghiệp, mà nhất thiết phải tạo ra trong tinh thần con người một sản phẩm đặc biệt: cái văn hoá công nghiệp đặc trưng ở kỷ luật làm việc như một thói quen, một lối sống đạo đức. Một nhà trường muốn hiện đại hoá phải qua tự học, phải dạy cho trẻ con tự học từ bé, khi có tự học ấy, nó gặp đời sống công nghiệp nó sẽ làm việc bằng văn hoá công nghiệp.
Vậy theo ông, chúng ta sẽ hiện đại hoá, từ những cái sự thiếu của giáo dục mà “ai cũng biết” như thế nào?
Có ba cái đang thiếu, một là tư duy về một nhà trường khác. Người ta cứ kêu gọi giảm tải, sự thật anh không thể giảm tải được. Anh chất đồ lên lưng trâu bắt nó chở, chở không hết anh hạ bớt xuống. Nhưng có cách chở gấp 100 lần con trâu mà lại nhẹ hơn như bằng cái máy bay chẳng hạn. Khi đó anh phải thay cái tư duy khoa học đối với giáo dục. Anh không thể tư duy theo lối đi bộ. Thứ hai anh có định hướng thì phải có giải pháp nghiệp vụ, giải pháp sư phạm như sách giáo khoa, chẳng hạn. Cuối cùng là phải nâng cao đời sống giáo viên, không có người hiện đại nào mà bụng lép kẹp. Để có một nền giáo dục hiện đại, tiên tiến tôi cho rằng phải mất 50 năm trở lên.
Âm thầm làm sách với ước muốn thay đổi cơ bản phương pháp dạy và học để nền giáo dục nước nhà đào tạo ra được những con người có tư duy độc lập, sống độc lập. Ông nghĩ sao về đề xuất cần 70.000 tỉ đồng để làm sách giáo khoa?
“Các nền giáo dục cũ nhào nặn trẻ em theo tấm gương người khác, giáo dục hiện đại không lôi cuốn trẻ em theo một mục tiêu thiển cận. Trẻ em được tự làm ra chính mình, được phát triển hết cỡ. Những cá nhân trọn vẹn đó sẽ biết cách sống hài hoà với xã hội, với cộng đồng” .
Nhà giáo Phạm Toàn
|
Nếu làm theo cách của nhóm Cánh Buồm thì không cần nhiều tiền mà cần một cái đầu. Tiền nhiều chưa chắc đã bảo đảm cho cái đầu, chưa chắc đảm bảo cho nội dung chất lượng, hiệu quả. Nếu có nhiều tiền như thế thì nên sửa trường, xây trường mới, để nuôi trẻ em miền núi học bán trú. Hay như ý kiến cần rút ngắn thời gian học phổ thông, tôi đồng ý với việc anh đề nghị bao nhiêu năm cũng được, nhưng anh phải cho tôi biết anh sẽ dạy cái gì và theo cách gì?
Hội thảo lần này của Cánh Buồm có tên “Em biết cách học”, Cánh Buồm mang gì tới cho mọi người trong lần này?
Một đứa trẻ nên người trong nền giáo dục hiện đại hoá không nhờ nó ngoan ngoãn “lắng tai nghe lấy mấy lời ru” của mẹ và của cô giáo; một em bé nên người là nhờ em biết cách học. Hội thảo “Em biết cách học” là lời tuyên bố và hệ thống việc làm để thực hiện sứ mệnh bậc tiểu học là bậc học phương pháp học. Biết cách học là điểm khởi đầu và cũng là đích đến của một sự nghiệp giáo dục lành mạnh. Nếu tiểu học không học về phương pháp chỉ còn một con đường là con đường “nhồi sọ”. Tiếp theo trung học sẽ là bậc học nghiên cứu, đại học là bậc tập độc lập nghiên cứu, cao học là độc lập nghiên cứu.
Ông nghĩ sao về việc mọi người cho rằng Cánh Buồm đang tự “đâm vào ngõ cụt”, một mình một hướng?
Người ta nhất trí về việc giáo dục là đại khủng hoảng nhưng lại không nhất trí về hướng đi và giải pháp cho nó ngay cả trên lý thuyết. Việc cụ thể hoá lý thuyết thành chương trình học và sách giáo khoa đồng thời vẫn còn bỏ ngỏ. Trong mớ bòng bong đó, chúng tôi cho rằng hãy chọn làm mẫu một công việc cụ thể, hãy “làm một điều tích cực để chống tiêu cực”. Công việc làm mẫu cụ thể đó chính là một bộ sách giáo khoa bậc tiểu học, để qua đó mọi người có thể thấy một cách tương đối dễ hiểu những câu trả lời cho những câu hỏi như: giáo dục là gì? bậc học là gì? bậc tiểu học là gì? chương trình học là gì? sách giáo khoa là gì?
Thanh Tuyền (thực hiện)
Source: http://sgtt.vn
Giới thiệu toàn bộ bộ sách giáo khoa Cánh Buồm
Toàn bộ bộ sách giáo khoa Cánh Buồm sẽ được giới thiệu ngày 6.10 tại trung tâm Văn hoá Pháp tại Hà Nội L’Espace: sách Tiếng Việt (lớp 1, lớp 2, lớp 3, lớp 4, lớp 5), sách Văn (lớp 1, lớp 2, lớp 3, lớp 4, lớp 5), sách Lối sống (lớp 1, lớp 2, lớp 3), sách Tiếng Anh (lớp 1, lớp 2) và sách Khoa học và Công nghệ (lớp 1). So với trước đây, bộ sách có thêm sách Văn, Tiếng Việt lớp 5 và Lối sống lớp 3, các sách cũ đã được hoàn thiện thêm.
Bộ sách hướng tới mục tiêu bất kỳ giáo viên nào cầm đến cũng dạy được luôn mà không cần tập huấn. Giáo viên sẽ phải từ bỏ lối giảng giải để thay vào đó là tổ chức các hoạt động học của trẻ em. Ví dụ như giáo viên giao nhiệm vụ của tiết học cho học sinh thực hiện. Kết thúc công việc này là một sản phẩm do chính tay học sinh làm ra (tìm ra). Hay giáo viên làm mẫu thao tác học để nhờ đó mà làm xong nhiệm vụ (tạo ra sản phẩm) – thí dụ làm mẫu thao tác phát âm, thao tác phân tích... Cuối cùng là Thu hoạch. Học sinh tự trình bày những điều đã tìm ra. Việc ghi nhận các kết quả (sản phẩm) không nhất thiết phải bằng lời, hoặc bằng cách ghi bài, càng không bao giờ bằng cách chép bài theo lời tóm tắt của giáo viên. Học sinh sẽ tự ghi lại sản phẩm của mình bằng vài cách, ví dụ:
Tự “ghi” bằng đóng kịch, kịch câm, kịch nói.
Tự “ghi” bằng vẽ, vẽ tranh, làm tranh truyện.
Tự ghi bằng sưu tầm, điều tra.
Tự ghi bằng tổ chức tranh luận.
Tự “ghi” nhận thức bằng lời nói và sau đó là bài tự viết.