Biến đổi khí hậu quả là một trong những bóng ma lớn nhất ám ảnh con người hiện đại. Sau hàng loạt nhà khoa học thuộc đủ lĩnh vực khác nhau, nay đến phiên các chuyên gia y học cũng vào cuộc tìm kiếm giải pháp giảm thiểu thiệt hại từ thảm hoạ môi trường này, dù có ý tưởng rất kỳ quặc.
Từ protein-sốc-nhiệt đến… thu nhỏ con người
Khoa học gia S. Matthew Liao.
|
Nếu dựa trên những báo cáo do tổ chức Y tế thế giới (WHO) đưa ra, mọi chuyện đã cấp bách đến nơi. Thật vậy, theo tổ chức này, kể từ năm 2004 đến nay, hàng năm biến đổi khí hậu đã gây ra hơn 140.000 ca tử vong do hậu quả của suy dinh dưỡng, sốt rét, tiêu chảy và những căn bệnh khác. Báo cáo của một nhóm nghiên cứu Mỹ về biến đổi khí hậu và sức khoẻ cũng cảnh báo khi trái đất ấm lên, những cái chết do nhiệt, những căn bệnh về hô hấp do dị nguyên và sương mù, và các bệnh nhiễm trùng ở người sẽ trở nên phổ biến hơn.
Vì thế không lạ gì khi hàng loạt chuyên gia y học tìm giải pháp làm cho con người chịu đựng tốt hơn với nhiệt độ. Pope Moseley là một thí dụ. Nhà sinh lý học của đại học New Mexico (Hoa Kỳ) đang nghiên cứu về protein-sốc-nhiệt, nghĩa là những phân tử giúp tế bào khỏi chết bằng cách đánh dấu những protein hư hỏng để chỉ phá huỷ chúng mà không ảnh hưởng lên những protein khoẻ mạnh. Khi tạo ra nhiều protein-sốc-nhiệt trong cơ thể một số loài thằn lằn và kiến, người ta có thể giúp chúng tồn tại được trong nhiệt độ rất cao. Chẳng hạn với loài kiến Cataglyphis bombycina sống ở sa mạc Sahara, nếu áp dụng hình thức này, người ta giúp chúng nhởn nhơ đi tìm thức ăn ngay cả khi thân nhiệt chúng vượt hơn 500C! Moseley và các đồng nghiệp tự hỏi: Tại sao không làm thế với con người?
Ý tưởng trên có thể khác thường, nhưng có lẽ không kỳ quặc bằng ý tưởng của giáo sư sinh lý học và đạo đức sinh học S. Matthew Liao của đại học New York (Hoa Kỳ) và đồng nghiệp – Anders Sandberg và Rebecca Roache của đại học Oxford (Anh). Trong một bài báo đăng trên tạp chí khoa học Ethics, Policy & Environment (Đạo đức, chính sách và môi trường) có tựa đề Thiết kế con người và biến đổi khí hậu, ba người này đề nghị “những giải pháp biến đổi con người về mặt y sinh” để giúp nhân loại “giảm nhẹ và/hoặc thích nghi với biến đổi khí hậu”.
Thiết kế con người có thể kỳ quặc và không thực tế, nhưng không có nghĩa là nó không khả thi và không hứa hẹn...
|
Những giải pháp do nhóm tác giả trên đưa ra là: cho con người sử dụng một loại thuốc gây ra phản ứng bất lợi khi ăn thịt; giúp con người nhỏ con hơn qua cách sàng lọc bào thai; cho con người uống một loại thuốc để gia tăng nhận thức từ đó họ sẽ sanh đẻ ít hơn; tác động vào gen để giúp thị lực con người làm việc tốt hơn trong bóng tối nhằm giảm nhu cầu sử dụng ánh sáng; và dùng một loại hormon để con người gia tăng lòng vị tha, đồng cảm từ đó họ sẽ nhạy cảm hơn với những thiệt hại do biến đổi khí hậu gây ra!
Lý lẽ và phản bác
Liao và các đồng nghiệp nghĩ ra những giải pháp trên không để giỡn chơi mà họ có lý của mình. Theo Liao, con người phải giảm tiêu thụ thịt vì đây là một trong những tác nhân chính gây biến đổi khí hậu. Ông dẫn một báo cáo của tổ chức Lương nông Liên hiệp quốc (FAO) cho thấy 18% lượng khí thải nhà kính và khí tương đương CO2 đến từ những đồng cỏ chăn nuôi, nhiều hơn cả khí phát ra từ giao thông. Đó là chưa kể 9% khí thải con người đến từ nạn phá rừng nhằm có nhiều đồng cỏ hơn cho vật nuôi. Ông lý luận: “Nếu phần lớn biến đổi khí hậu do vật nuôi thì chỉ cần giảm tiêu thụ thịt là sẽ có lợi đáng kể cho môi trường”.
Về ý tưởng “thu nhỏ con người”, Liao lưu ý rằng “dấu chân sinh thái” (ecological footprints) của con người có liên quan chặt chẽ với kích thước. Cứ mỗi ký lô khối cơ thể lại đòi hỏi một lượng thực phẩm, dinh dưỡng và nhiều thứ khác. Như thế một người càng to lớn thì nhu cầu thực phẩm và năng lượng càng nhiều. Ông nói: “Xe chở một người mập chắc chắn phải tiêu thụ nhiều xăng hơn người ốm. Người mập cũng dùng nhiều vải vóc để may mặc và họ tiêu thụ giày, thảm, đồ đạc cũng mau hư hơn. Do đó, giảm kích thước con người là giảm được dấu chân sinh thái. Thí dụ chỉ cần giảm được chiều cao trung bình của dân Mỹ 15cm là có thể giảm được 21% khối cơ thể ở nam và 25% ở nữ, với mức giảm tương ứng tốc độ chuyển hoá 15% và 18%, bởi ít mô cơ thể đồng nghĩa với việc giảm được nhu cầu dinh dưỡng và năng lượng”.
Những ý tưởng kỳ lạ thường bị ném đá. Trường hợp của Liao và đồng nghiệp cũng thế. Nhiều người đã dùng những thuật ngữ như “phátxít sinh thái”, “ưu sinh học”, “Đức quốc xã” để chỉ các ý tưởng này. Thậm chí có người gọi nhóm tác giả là “những kẻ bệnh hoạn” và cần bị giam giữ trong… nhà tù Guantanamo!
Tuy nhiên, các tác giả cho rằng nhiều người đã hiểu sai ý tưởng của họ. Trả lời báo chí, Anders Sandberg, nhà đạo đức học của đại học Oxford (Anh) và đồng tác giả bài báo, cho rằng những người chỉ trích đã không nghĩ sâu xa về vấn đề, thay vào đó họ chỉ biết phản ứng. Ông nói: “Bài báo chúng tôi nhằm đưa ra những giải pháp đi trước có tính ngăn chặn các vấn đề môi trường, chứ không phải là giải pháp nhằm giải quyết sự việc… Người ta đưa fluor vào nước để phòng ngừa sâu răng, dùng vắcxin để ngừa bệnh tật. Những giải pháp này – cũng giống như giải pháp thiết kế con người để giải quyết biến đổi khí hậu – có thể mang lại nguy cơ thế mà chúng vẫn được chấp nhận rộng rãi”. Rebecca Roache cũng lên tiếng: “Chúng tôi muốn khuyến khích con người nghĩ đến một nhóm giải pháp để giải quyết biến đổi khí hậu đã bị quên lãng. Thiết kế con người có thể kỳ quặc và không thực tế, nhưng không có nghĩa là nó không khả thi và hứa hẹn: điện thoại, trẻ sinh ra từ ống nghiệm, máy tính cá nhân đều là những thành tựu quan trọng của cuộc sống hiện đại cho dù trước đây chúng bị coi là kỳ quặc và không thực tế”.
Châu Giang
Trong thực tế, những ý tưởng mà Liao và đồng nghiệp đưa ra cũng nhằm phản bác lại một số ý tưởng bảo vệ môi trường… kỳ quặc hơn. Chẳng hạn có người đề nghị đặt một chiếc vòng phân tán ánh nắng mặt trời ở xích đạo để giảm bức xạ mặt trời lên trái đất (như kính bảo vệ mắt), bỏ sắt vào đại dương để kích thích một số sinh vật tiêu thụ khí CO2 ở đây tăng trưởng, cho khí sulfur vào không khí để đối kháng lại sự nóng lên của trái đất, chôn khí CO2 vào lòng đất… Theo Anders Sandberg, những giải pháp này mang tính tổng thể và khó được thử nghiệm trước khi áp dụng. Ông nói: “Nếu tôi muốn thử một thiết bị để kích thích não, tôi có thể thử trên những sinh viên y khoa. Nếu có gì sai, tôi có thể bị thưa ra toà, nhưng đó là chuyện cục bộ. Còn với những giải pháp tác động trên trái đất thì bạn phải làm gì? Bạn cần có bao nhiêu trái đất để thử nghiệm?”
source: http://sgtt.vn