Chiếc huy chương cho lòng hiếu thảo

Vài mươi tấm huy chương trong bảy năm thi đấu đã khẳng định tầm vóc trong làng cử tạ của lực sĩ Trần Lê Quốc Toàn. Chỉ còn thiếu chiếc huy chương cho lòng hiếu thảo, để đáp lại những ngày tháng tảo tần đầy nước mắt của mẹ, và những mong ước của người cha đã khuất…

Tuổi thơ thiệt thòi
Lực sĩ Trần Lê Quốc Toàn và mẹ.

Phải qua nhiều con hẻm ngoằn ngoèo chúng tôi mới tìm được nhà của vận động viên cử tạ Trần Lê Quốc Toàn ở 311/2 đường Trường Chinh, phường An Khê, quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng. Không thể tưởng tượng được nhà một vận động viên nổi tiếng cả nước mà chật hẹp đến thế: 11 người của ba thế hệ chung sống trên một diện tích 50m2.

Trong câu chuyện của gia đình, phân nửa là lời kể về con mình của bà Lê Thị Quỳnh Nga (53 tuổi). Ba Toàn vốn là tài xế xe lam. Khoảng năm 2000, xe lam giải thể, ba Toàn chuyển sang nghề xe ôm. Sát cánh cùng chồng nuôi năm đứa con trai, bà Nga bươn chải với nghề hàng rong: bán bánh canh, bánh bèo, sữa đậu nành… “Nghề xe ôm ngày ngày cũng đủ tiền mua gạo, đi chợ, còn tui thì kiếm tiền cho con nộp học phí. Cuộc sống như thế cũng gọi là tàm tạm ở cái thành phố dễ thở này…”, bà Nga nhớ lại. Nhưng không biết có phải do làm việc cật lực, ăn uống kham khổ mà ba Toàn đổ bệnh – quái ác thay đó lại là căn bệnh ung thư. Bao nhiêu tiền tằn tiện, bà Nga mang ra chữa chạy cho chồng. Được chồng thì con phải thiệt thòi: ba đứa con lớn của bà Nga phải lần lượt nghỉ học. Hồi đó, Toàn đang học lớp 8.

Nhớ lại, bà Nga xót xa: “Tui nhớ bữa tối đầu năm 2005, khi xuống bếp phụ mẹ chuẩn bị bánh bèo cho ngày mai bán, nó tỉ tê: Mẹ, mai con nghỉ học, đi làm giúp mẹ nghen. Tui đứt ruột, nhìn lại, con mình còn nhỏ quá...” Sau đó, Toàn được nhận học việc ở cơ sở làm tượng đá. Tại đây, công việc hàng ngày của Toàn là mài láng tượng, cả người luôn bám đầy bụi đá. Nhiều khi đưa tay dụi mắt, Toàn nghĩ đời mình là đời đá. Nếu không có một ngày…

Thành danh trong làng cử tạ

“Mày đi tập tạ với tao đi. Tao nâng được 40kg rồi” – “Ủa thiệt hả. Cho tao đi với”. Kể lại chuyện bạn rủ đi tập tạ, Toàn cười: “Em to con hơn, lẽ nào nâng ít hơn nó”. Toàn tập cử tạ với niềm đam mê kỳ lạ: “Từ khi xin tập tạ ở trung tâm Huấn luyện vận động viên thành phố Đà Nẵng đến khi được vào phòng tập, em phải mất hai tháng ròng đi, về”. Hồi đó, do “quân” nhiều nên huấn luyện viên Phan Văn Thiện không chấp nhận cho Toàn vào phòng tập. Sau này, thấy lòng đam mê của Toàn nên huấn luyện viên Thiện cho tập. Mà ai nỡ bỏ một cậu nhỏ, cứ buổi sáng là 4g30 phút, chiều đúng 17g30 bất kể mưa lạnh hay nắng nôi, ngày nào cũng lấp ló ngoài cửa, mắt tròn xoe nhìn các vận động viên “giật, đẩy” bên trong. Hơn nữa, bà Nga cũng chiều ý con, đến phòng tập năn nỉ huấn luyện viên cho Toàn được học.

Được nhận vào tập, đời Toàn sang một ngả rẽ khác. “Ngày đó, nghĩ tập có cơ bắp như Lý Đức là... khoái rồi. Ai ngờ, để nâng được từng mức tạ, rồi bước ra sàn thi đấu, mình phải vượt qua bản thân trước đã, và không ngờ đạt đến đỉnh cao như hôm nay”, Toàn tâm sự. Vậy mà ba Toàn chưa kịp thấy thành công của con thì giữa năm 2005, ông ra đi mãi mãi. Còn Toàn, tập được hai tháng thì huấn luyện viên cho tham gia giải trẻ toàn quốc tại Hải Dương vào tháng 7.2005, hạng cân 56kg, chỉ để cọ xát lấy kinh nghiệm. Vậy mà không ngờ Toàn lại giành huy chương vàng. “Sau thành công này, em được nâng suất ăn lên 20.000 đồng/ngày, cao nhất phòng tập. Mà nói thiệt, hồi đó được huy chương vàng, em còn không biết huy chương để làm gì!”, Toàn bẽn lẽn kể. Sau huy chương này, Toàn liên tục mang về vinh quang cho gia đình, bạn bè và thành phố Đà Nẵng.

Đứa trẻ của gia đình

Trong giá treo đặt trang trọng giữa nhà, chúng tôi thấy hàng chục huy chương các loại (hơn 2/3 là huy chương vàng). Trong bộ sưu tập đó có chiếc huy chương vàng SEA Games 26 tại Indonesia, hai huy chương vàng châu Á, hai huy chương vàng (cử đẩy 153kg, tổng cử 278kg) giải vô địch quốc gia tổ chức ở Hải Phòng vừa qua. Lý ra, bộ sưu tập huy chương của Toàn còn chiếc huy chương đồng giải vô địch thế giới năm 2011 nữa. Bởi dịp đó thành tích của Toàn chỉ đứng sau vận động viên người Tunisia đoạt huy chương đồng, khi ban tổ chức phát hiện vận động viên này dùng doping thì tước huy chương trao lại cho Toàn nhưng Toàn đã về nước mất rồi.

Bà Nga cho biết, lương tháng của Toàn tại đội tuyển quốc gia là hơn 4 triệu đồng, “tháng nào Toàn cũng gửi về cho mẹ 1 triệu đồng, nói là tiền tiết kiệm cho mẹ nuôi em”. Cũng theo bà Nga, Toàn luôn tiết kiệm tiền thưởng gửi về cho mẹ nuôi hai em ăn học. Trong năm qua, thành phố Đà Nẵng hỗ trợ cho Toàn 15 triệu đồng/tháng và sẽ nhận vào cuối năm nay. “Số tiền đó, Toàn nói muốn tìm mua cho tui chỗ đất làm nhà. Nó nói sẽ cố tặng nhà cho mẹ. Mà muốn thực hiện điều này thì phải chăm chỉ tập luyện, mới mong có tiền thưởng”, bà Nga thổ lộ.

Khi chúng tôi trò chuyện với bà Nga, Toàn nô đùa với hai đứa cháu gọi bằng chú ruột, hồn nhiên chẳng khác một đứa trẻ. Một đứa trẻ hiếu thảo trong một vận động viên lớn.

bài và ảnh: Phạm Anh

source: http://sgtt.vn

       Bookmark and Share           


 

 
  
 

Giáo dục phát triển | Công dân giáo dục | Thế giới trẻ | Văn minh đô thị | Tiếp thị xanh
VietnamMarcom Since 2001 Copyright © 2011. CauChuyen.VietnamMarcom - All rights reserved.