Bạn tôi có ba con mắt
huy-cnty-2.png   Mẹ của một trong những bạn thân của Huy đã thổn thức:
“Thằng Huy không có số học lên cao, khi nó chuẩn bị lấy bằng đại học thì bị mù một mắt; khi nó chuẩn bị lấy bằng Thạc sĩ thì lại bị mù thêm một mắt nữa. Nó cưỡng lại số phận nên phải sống trong bóng tối”.
Huy tâm sự với tôi:
“Nếu tao có thêm con mắt thứ ba giống như Dương Tiễn thì chắc chắn là khi tao chuẩn bị lấy bằng tiến sĩ thì cũng bị mù nốt thôi”.

 



Ngày "Nhà giáo Việt Nam" năm nay tôi không viết về các người Thầy của tôi nữa. Mà tôi muốn nhìn lại học trò của các Thầy. Họ là những thành quả của các Thầy, nói về họ cũng là một cách để nói đến các Thầy.

Bạn bè tôi, sau 30 năm ra trường, ai cũng trải qua nhiều thăng trầm, ai cũng nên người và chắc chắn có rất nhiều người thành đạt. Làm sao tôi kể cho hết? Tôi chỉ muốn viết ra đây về một tấm gương học hỏi, làm việc, giúp đở, hướng dẫn không biết mệt mõi của một trong những bạn học cùng lớp. Đó là bạn Cao Nguyễn Huy, bị mù cả hai mắt.

Con mắt thứ nhất
Ấn tượng còn mãi trong tôi khi lần đầu tiên gặp Huy vào năm thứ nhất của đại học là hai con mắt sáng quắc của Huy. Qua cửa sổ tâm hồn này, tôi đọc được tính xả thân của Huy trong mọi chuyện, từ học hành đến ăn chơi. Huy có thân hình vạm vỡ, rắn chắc. Mọi bộ môn thể thao thịnh hành ở các trường đại học thời ấy đều có Huy tham gia. Nhất là môn bóng chuyền và bóng đá thì Huy rất xuất sắc. Huy là thủ môn chính của trường tôi, là người đem màu cờ sắc áo của trường đi đấm chuông rất nhiều nơi trong chương trình giao hữu các trường đại học toàn quốc. Về văn nghệ thì tiết mục hợp ca nào của khoá tôi đều có Huy trong đó. Không phải là Huy hát hay mà nhờ có giọng khoẻ của hai buồng phổi dân thể thao, và nhất là sự hết mình của Huy khi tập tành cũng như khi trình diển.

Về việc học thì khoá của tôi ai cũng nhận ra rằng: “Thằng Huy suốt ngày thấy nó trên sân bóng chuyền, bóng đá mà sao môn nào nó cũng trên điểm tám?”. Nếu ai có một chút ganh tị với Huy cũng sẽ cho rằng: “Phải rồi, hạt giống thể thao của trường mà.! Các thầy khi chấm điểm phải nương tay chứ?”. Tôi thì không cho như vậy. Thời đó, tụi tôi khi học bài (kiểu từ chương) thường thách đấu nhau khả năng về trí nhớ ngắn hạn. Tôi và Huy cùng giở bài học ngày mai ra, chọn một trang và thách nhau đứa nào thuộc bài trước. Rất nhiều lần tôi thực sự ngạc nhiên là mình còn chưa đọc hiểu hết trang mà Huy đã trả bài cho tôi vanh vách. Rõ ràng là nhờ Huy một phần có trí nhớ ngắn hạn tốt, phần khác là Huy vừa học vừa chơi nên tinh thần sảng khoái, rất dễ nắm bắt, thu lượm thông tin. Trong các môn thực tập (thời đó thường gọi là T.P. lấy chữ tắt của tiếng Pháp: Travaux Pratiques), Huy cũng là người thành thạo thuộc hạng tầm cỡ trong lớp. Những tiêu bản mô bệnh học rắc rối đủ loại tế bào, mô… Huy xem qua là nhận định được ngay.

Số phận thật nghiệt ngã, thật ác thay, tai nạn lại xãy ra cho một người đầy năng lực, tài hoa và yêu đời như Huy. Năm 1980, năm cuối của bậc đại học, trong khi luyện tập với đội bóng của trường, Huy bị một quả sút tạt vào thái dương bên phải làm xuất huyết thuỷ tinh thể. Ngày hôm sau, đi khám thì máu đã đông không còn cứu vãn được nữa. Thời ấy phương tiện y tế nghèo nàn, thuốc men hiếm quý. Cả bác sĩ, người thân và bạn bè, ai cũng lắc đầu ngao ngán cho Huy. Nhưng tôi biết rằng Huy vẫn chưa chịu khuất phục số mệnh.

Con mắt thứ hai
IMG_2964.JPGSau khi ra trường, cũng như các bạn, Huy đi làm, lập gia đình và chăm sóc gia đình bé nhỏ của mình. Trong công việc ở trại gà giống Đồng Nai, Huy vẫn luôn cầu tiến, học hỏi, nâng dần kiến thức để phục vụ cho công việc. Huy đã theo học lớp cao học đầu tiên của Trường ĐHNL. Đến gần ngày báo cáo tốt nghiệp, năm 1995, chỉ còn một môn thi nữa là xong thì con mắt thứ hai cũng hỏng sau một tai nạn xe gắn máy.

Lần này thì thực thể con mắt vẫn ổn, chỉ vì chấn thương chèn ép thái dương bên trái làm suy thoái dây thần kinh thị giác. Một cái camera mà đứt dây truyền tín hiệu thì làm sao thâu hình được? Thế là cái bằng thạc sĩ cũng dang dỡ với con mắt thứ hai này. Tôi còn nhớ, lúc ấy, một vài công ty sản xuất kinh doanh, trong đó có công ty thức ăn gia súc rất tầm cỡ của nước ngoài đã dự định tuyển dụng Huy sau khi có bằng thạc sĩ. Cánh cửa tương lai vừa hé mở đã khép ngay cùng với con mắt thứ hai.

Thời gian đầu sau tai nạn, Huy ở nhà mẹ để tìm cách "Còn nước, còn tát". Vợ con Huy rất buồn vì chồng, cha bị như thế là một cú sốc lớn. Huy dốc hết tiền ra để chữa mắt (trong đó có rất nhiều sự hỗ trợ của bạn bè), cuối cùng vẫn "tiền mất, tật mang". Huy tự nhủ: Buồn làm gì, nó chỉ làm mệt thân, rồi sinh ra đủ thứ bệnh tật và như thế lại làm khổ thêm bản thân, vợ con, cha mẹ, anh em và bạn bè thôi. Vậy mình cứ vui lên thì cuộc đời mới vui, mới đáng sống chứ.

Điều an ủi nhất cho Huy là vợ con mình không mặc cảm vì chồng, cha bị khuyết tật mà trái lại rất tự hào về Huy. Nhất là hai đứa con Huy không bị hụt hẫng và xấu hổ vì cha bị mù. Mỗi khi các bạn của con Huy đến nhà chơi, các bạn đó rất khâm phục khi thấy Cha của bạn tuy bị mù nhưng vẫn sử dụng máy vi tính ào ào thành thục như người thấy đường. Khi Huy nói chuyện với các bạn của con Huy bằng tiếng Anh, tụi nó thốt lên Bác nói tiếng Anh hay hơn cả Thầy của tụi con.

Mẹ của một trong những bạn thân của Huy đã thổn thức:
“Thằng Huy không có số học lên cao, khi nó chuẩn bị lấy bằng đại học thì bị mù một mắt; khi nó chuẩn bị lấy bằng Thạc sĩ thì lại bị mù thêm một mắt nữa. Nó cưỡng lại số phận nên phải sống trong bóng tối”.

Huy tâm sự với tôi:
“Nếu tao có thêm con mắt thứ ba giống như Dương Tiễn thì chắc chắn là khi tao chuẩn bị lấy bằng tiến sĩ thì cũng bị mù nốt thôi”.

Con mắt thứ ba
Huy nói như vậy nhưng tôi thì quả quyết rằng Huy có con mắt thứ ba. Quả thật là như vậy.! Có nhiều người sáng hai con mắt nhưng mù về tâm thức. Huy bị mù cả hai mắt nhưng con mắt tâm thức thì lại còn rất sáng. Với con mắt thứ ba này, Huy đã nhìn ra rất nhiều khía cạnh khác của cuộc đời mà người sáng hai mắt không dễ gì có cơ hội để nhìn ra.

Huy kể lại:
“Khi tao gặp tai nạn giao thông, tỉnh dậy ở bệnh viện Chợ Rẫy, tao biết mình bị mù, nhưng tao chỉ cho là: "Chuyện nhỏ, thấy đường, làm kiểu thấy đường; không thấy đường, làm kiểu không thấy đường".

Được tin Huy bị tai nạn, tôi rất ái ngại không biết phải an ủi Huy như thế nào đây? Tôi và các bạn vào thăm Huy đều rất ngạc nhiên khi thấy Huy vẫn vui vẻ, cười nói bình thường. Chấn thương chỉ làm móp xương ở phần thái dương bên trái, tay chân, mọi thứ đều lành lặn. Huy cười nói sang sảng “Tao chán tụi bay lắm rồi không thèm nhìn mặt tụi bay nữa”.

Tuy nhiên, sau này Huy tâm sự:
“Nếu nói buồn thì tao không cảm thấy buồn gì cả. Nhưng nếu nói là tao không lo nghĩ gì là không đúng. Tao rất lo là kinh tế gia đình sẽ gặp nhiều khó khăn vì gia đình có hai người đi làm. Với mức lương nhà nước của cả hai lo cho gia đình cũng đã chật vật lắm, bây giờ chỉ có một người đi làm thì cuộc sống chắc sẽ gặp khó khăn dữ đây. Nhưng tao lại nghĩ: Đây là những khó khăn, thử thách đặt ra cho tao. Nếu tao vượt qua được thì sẽ có nhiều cơ hội tốt hơn. Tao nghĩ là Bề trên rất công bằng, lấy cái này của tao đi thì sẽ cho lại tao cái khác, miễn là tao phải vượt qua được”.

Châm ngôn sống của Huy là:
"Cuộc đời như một tấm gương. Nếu mình cười với nó thì Cuộc đời sẽ cười với mình; Nếu mình khóc với nó thì Cuộc đời sẽ khóc với mình. Vậy tại sao mình không cười lên nào?"

 Thế rồi Huy đi tìm Hội Người mù để tham gia. Khi Huy đi thăm gia đình những người mù của địa phương, Huy mới cảm nhận được là họ còn có cuộc sống khó khăn hơn Huy: Mặc cảm tự ti, nhút nhát, kinh tế khó khăn, đông con...

Huy đặt ra nhiệm vụ cho mình là phải tạo mọi điều kiện để họ có cơ hội vươn lên. Huy cùng Tỉnh hội thành lập Huyện hội, tổ chức cho người mù học chữ Braille, sau này là học vi tính, tổ chức nhiều buổi nói chuyện về những chuyên đề để họ nâng dần được sự hiểu biết. Tổ chức những hội thi: cắm hoa, may vá, đơm nút áo, nấu ăn, đánh cờ domino, hát cho nhau nghe, đi tham quan, tắm biển v.v... Rồi tổ chức câu lạc bộ của những người khiếm thị (đây là câu lạc bộ đầu tiên của các hội người mù phía Nam).

Trong các buổi sinh hoạt, Huy đã chọn những nội dung thật phong phú, những hình thức hấp dẫn để những người mù luôn luôn cười trong thời gian sinh hoạt. Huy lại nghĩ ra: "Phải giúp người mù biết khiêu vũ", vì khiêu vũ cũng là một phương pháp định hướng di chuyển. Khi Huy phổ biến là "Hôm nay, câu lạc bộ sinh hoạt nội bộ với nội dung là hướng dẫn các thành viên nhảy đầm". Nhiều người không tin, nhưng Huy vẫn tiến hành.

Đầu tiên, Huy hướng dẫn cho một số người sáng tập theo những động tác của Huy rồi chỉ lại cho người mù. Nhưng khi họ chỉ lại cho người mù lại không được. Huy tức quá, bèn ngồi xổm dưới đất, mặt kề sát sau mông của bạn mù, hai tay nắm lấy hai cổ chân của bạn, đẩy đi đẩy lại theo những động tác nhảy đầm. Ấy vậy mà lại thành công, rất nhiều người mù có thể nhảy đầm được. Huy chỉ dạy những bước căn bản của các điệu: Disco, cha cha cha, tango, valse thôi. Sau buổi tập nhảy đầm, Huy về nhà lại nhận được điện thoại của người mù như sau: "Anh Huy ơi, điệu này có phải là điệu valse không?” Huy trả lời là đúng rồi, thì em mù đó nói là em đang nhảy tưng tưng ở nhà đây”. Điều này làm Huy rất vui vì công lao mình bỏ ra không vô ích.

Đó là về mặt tinh thần, về mặt vật chất, Huy tín chấp với ngân hàng cho người mù được vay vốn để làm ăn. Rất nhiều gia đình người mù làm nghề nông nên Huy lại liên hệ với các trạm khuyến nông tổ chức nhiều lớp khuyến nông để giúp gia đình họ có thêm kiến thức áp dụng trong sản xuất.
Huy lại tổ chức các lớp học xoa bóp cho nhiều người mù rồi lại tổ chức cơ sở xoa bóp để tạo chỗ làm việc cho họ. Huy rất vui khi nghe họ kể lại: "Khi lãnh tháng lương đầu tiên, cả nhà người mù đều vui. Cô gái mù mua thuốc cho cha, mẹ, mua quà cho các anh chị, mua bánh kẹo cho các cháu... Đối với họ đây là những đồng tiền đầu tiên do chính đôi tay, sức lao động của họ làm ra nên họ rất phấn chấn và quý trọng..."

Huy nói: "Nếu được hướng dẫn rõ ràng, cụ thể thì người mù có thể làm được những gì mà người sáng mắt có thể làm được dù là làm không được trọn vẹn, đẹp lắm”.

Và Huy luôn luôn truyền những lạc quan yêu đời, luôn động viên, khuyến khích người mù phát huy những khả năng còn lại của mình để "Vượt qua chính mình". Qua đó, đã có nhiều cặp đã xây dựng gia đình hạnh phúc, con cái lành lặn được chăm sóc, nuôi dưỡng đúng cách. Nhiều gia đình đã đổi đời có cuộc sống tốt đẹp hơn.

Điều quan trọng là Huy đã đánh thức được sự tự tin của họ, tự tin vào bản thân, tự tin vào gia đình, tự tin vào hội. Khi người mù tham gia sinh hoạt Hội, họ đã mất đi mặc cảm tự ti, sự nhút nhát, sự nhàn rỗi đến chán nản, sự phụ thuộc vào gia đình và xã hội, sự âu lo về kinh tế… Họ tìm lại được sự tự tin, sức khỏe, làm việc, học tập, sinh hoạt, vui chơi, xây dựng gia đình, cuộc sống hạnh phúc, và quan trọng là đã khẳng định được vị trí, vai trò của mình trong gia đình và xóm làng…

Con mắt bạn bè nhìn Huy
Có lần Huy điện thoại cho tôi:
-    Ê Nguyên, trong tiếng Anh, chữ H và chữ E ghép lại có nghĩa là gì vậy?”
-    Có nghĩa là NÓ, ngôi thứ ba, số ít…

Huy cười sang sảng qua điện thoại:
-    Mày biết sao không, tao đang ôn tiếng Anh qua chữ Braille. Tao mò ra chữ H, rồi chữ E mà không hiểu nghĩa là gì?... Ha ha…

Qua chuyện này tôi mới nhận ra rằng: thông tin từ chữ viết đến bằng thị giác khác với đến qua xúc giác. Người mù học hành khó khăn đến như vậy đó, đủ biết khi mù mà vẫn còn muốn học thì là người hiếu học đến cỡ nào?
 
Tôi dám quả quyết rằng, gặp hoàn cảnh như Huy, không chắc gì chúng tôi có được nghị lực mạnh mẻ như Huy để mà tiếp tục sống và đóng góp. Tôi tự hỏi: Những ai đã có ảnh hưởng nhiều đến cách nhìn cuộc đời của Huy như thế? Tôi không rành lắm về sự ảnh hưởng của gia đình, trường học và bạn bè thời thơ ấu của Huy, nhưng điểm lại từ thời đại học của Huy, tôi nhận ra rằng nhiều người Thầy của chúng tôi chính là tấm gương cho con mắt thứ ba của Huy soi vào.

Một người thầy sống hết mình với học trò, thầy Lưu Trọng Hiếu, Thầy luôn nhớ gần như tất cả những học trò của Thầy dù đã có rất nhiều khóa đã ra trường. Khi gặp hay không gặp, Thầy luôn hỏi thăm đến các học trò của mình. Thầy vui mừng khi biết được sự thành đạt, nhưng Thầy cũng luôn gởi lời hỏi thăm, động viên đến các học trò không được may mắn. Thầy động viên, khuyến khích học trò phấn đấu vượt qua khó khăn đó. Thầy Dương Thanh Liêm, suốt đời cống hiến cho khoa học, cho việc đào tạo thế hệ mai sau. Dù là hoàn cảnh gia đình Thầy gặp rất nhiều khó khăn. Tấm gương của Thầy đã giúp Huy luôn phải tìm cách vượt lên mọi khó khăn. Thầy Trần Trọng Toàn, một "Quái kiệt" của Trường. Thầy có những lời nói tạo ấn tượng làm cho người nghe phải suy nghĩ những vấn đề Thầy nói. Thầy giúp Huy nhìn ra được mặt khác của những sự việc đang diễn ra trước hai con mắt trần tục của mình.

Và… điều không thể không ghi nhận: bạn bè của Huy. Họ là điều làm Huy rất hứng khởi. Điều lớn nhất làm Huy cảm động nhất là sự quan tâm của các bạn bè trong khóa mình. Sự động viên của các bạn cũng là một trong những động lực để Huy vượt qua khó khăn, thử thách đặt ra cho mình.


 



Tôi nhớ lại lần đầu tiên đến thăm trường trẻ em khiếm thị ở Đalạt, nghe bài hát có đoạn “Hãy nhìn vào trong mắt nhau, ta sẽ thấy tình yêu ngọt ngào…” Khi mất hai mắt rồi, con mắt thứ ba lại giúp mình nhìn rõ cuộc đời hơn. Nhưng phải chi, mọi người đều nhìn cuộc đời với đủ ba con mắt… Phải chi Huy còn đủ ba con mắt với nhau, điều đó sẽ giúp cuộc đời Huy nhiều màu sắc hơn và nhiều đóng góp, cống hiến hơn nhiều.

Võ Hoàng Nguyên
Tháng 11 năm 2012

source: http://www.thunhanconsulting.com

       Bookmark and Share           


 

 
  
 

Giáo dục phát triển | Công dân giáo dục | Thế giới trẻ | Văn minh đô thị | Tiếp thị xanh
VietnamMarcom Since 2001 Copyright © 2011. CauChuyen.VietnamMarcom - All rights reserved.