Câu hỏi 1: Hình ảnh này khiến bạn liên tưởng gì đến bạn và cuộc đời?
Hãy tưởng tượng cuộc đời như biển, còn bạn là một chiếc thuyền. Bạn sẽ đi đâu về đâu?
Nếu đã có mục tiêu, bạn sẽ đi con đường nào để đến đó?
Bất kể bạn tìm đường đi dễ hay khó để đến đích, bạn đều cần trang bị cho mình một “tấm bản đồ” để không mệt mỏi vì đi lạc hướng và không mất nhiều thời gian lẫn công sức không đáng có. Quan trọng hơn, bạn sẽ định vị chính xác lộ trình mà bạn cần phải đi để có thể tới đích một cách thật nhanh. >> Mỗi người chỉ có một cuộc đời để sống. Nếu không biết mình sống để làm gì, không biết nên đi đường nào, rốt cuộc chúng ta chỉ là những người đi lạc mà thôi.

Câu hỏi lớn nhất bạn nên trả lời là…
Trước khi lập bản đồ cho cuộc đời mình, câu hỏi lớn nhất bạn nên trả lời nhất là: “Mình sống để làm gì?”. Bạn nhất thiết phải trả lời được câu hỏi này. Diderot đã nói: “Nếu không có mục đích, anh không làm được điều gì cả. Anh cũng không làm được điều gì vĩ đại nếu mục đích của anh tầm thường”. Bởi khi có mục đích, cuộc sống sẽ có ý nghĩa rõ ràng, từ đó mới vẽ nên một hướng đi cụ thể. Nếu không biết sống để làm gì thì cuộc sống rơi vào bế tắc, chán chường và nhạt nhẽo.
Nhiều người có thể lập kế hoạch tổ chức một sự kiện cho lớp học cực kỳ chu đáo, lập kế hoạch phát triển cho một câu lạc bộ đội nhóm rất sáng tạo, nhưng cuộc đời của chính họ thì chưa bao giờ họ lập kế hoạch. Còn bạn?
Làm sao chọn được mục tiêu tốt?
Để biết đâu là mục tiêu tốt mang tính khả thi và dễ thành công thì bạn thử trả lời câu hỏi số 2 nè!
Câu hỏi 2: Bạn dành hai phút để nghĩ xem, một mục tiêu tốt có gì tương tự với hình ảnh một con diều?
Đáp án:
-> Con diều phải luôn ở trên cao, tức mục tiêu của bạn phải đầy kích thích, đầy tham vọng.
-> Tuy nhiên, nó phải nối với mặt đất bằng một sợi dây. Nghĩa là mục tiêu phải hiện thực, phải khả thi, bạn phải điều khiển được nó và có thể thực hiện được nó.
-> Một điều quan trọng nữa là: Bạn muốn diều bay thì phải chọn nơi có gió! Mục tiêu của bạn phải đúng sở trường, ước mơ của bạn phải được đặt trên những mảnh đất phù hợp để có thể nảy nở sinh sôi.
Muốn giữ “chìa khóa” thành công, bạn nên làm gì?
Trong cuộc sống, có rất nhiều loại thành công như: Thành công về vật chất, tình cảm, trí tuệ, đóng góp xã hội, gia đình… Nhưng muốn nắm trong tay chiếc “chìa khóa” dẫn đến thành công, bạn phải biết cách vạch ra kế hoạch cho mình. Tôi vẫn nhớ một cô điều dưỡng trong viện dưỡng lão đã chia sẻ rằng: một trong những điều nuối tiếc nhiều nhất của ông cụ, bà cụ là họ già mà chưa kịp sống. Họ đã dành cả đời để quần quật kiếm tiền, cuối cùng thì dùng số tiền ấy để nuôi dưỡng cuộc sống già nua của mình. Điều ấy không sai, nhưng họ cảm thấy mình sống như vậy là vô nghĩa và cảm thấy tiếc nuối vì còn có nhiều thứ mà họ chưa kịp làm vì không vạch ra kế hoạch cụ thể. Kế hoạch chính là tấm “bản đồ” vẽ ra những đoạn đường đi, mục tiêu cụ thể để đạt tới đích.
Với bạn trẻ, tôi cũng muốn chia sẻ thêm một câu chuyện nhỏ về một cô bạn Thu Hà không học đại học vẫn trở thành “đại gia”. Hiện cô đã trở thành một “bà chủ” của chuỗi cửa hàng hoa tươi tại Hà Nội. Học xong THPT, khi bạn bè chen chân đua nhau vượt vũ môn để có một tấm vé vào giảng đường đại học thì bạn ấy lại chọn theo hướng khác. Sẵn có “hoa tay”, cô xin bố mẹ mở một cửa hàng hoa trước cửa nhà. Không một mối làm ăn, không một chút kinh nghiệm kinh doanh nhưng dần dần, cửa hàng đã khang trang hơn. Nhờ biết chia định hướng cuộc đời thành những mục tiêu nhỏ hơn và thực hiện theo từng giai đoạn và có thời gian hoàn thành cụ thể. “Bản đồ” kế hoạch kinh doanh của cô được hoàn thành và cứ thế mà cô bạn thực hiện. Chính nhờ những kế hoạch được cô vạch sẵn, những bài học kinh nghiệm về bán hàng và những thách thức phải đối mặt với thị trường kinh doanh đã giúp cô bạn thành công. Trong quá trình lập bản đồ kế hoạch cho mình, bạn cũng không quên vẽ thêm những phương án dự trù nếu kế hoạch bị động. Chính vì vậy cô bạn đã thành công trước tuổi và có thu nhập hằng tháng lên tới hàng chục triệu đồng.
Bạn đã có kế hoạch cho mình chưa, nếu chưa thử thực hiện tiếp bài tập này nhé!
Bài tập 3: Hãy dành thời gian để nghiêm túc trả lời những câu hỏi sau đây:
1/ Ba điều nào mình muốn đạt được hơn cả?
2/ Trong đó, mình muốn giải quyết điều nào trước nhất, nhì, ba và tại sao?
3/ Để thực hiện được chúng, bước đi đầu tiên của bạn sẽ là gì?
Tấm bản đồ của bạn là gì?
Bài tập 4: Hãy tìm đường đi sao cho chỉ trong vòng 3 giây bạn có thể đi từ điểm xuất phát của mê cung đến căn nhà ở điểm cuối cùng nhé!

Đáp án: Đi vòng ngoài rìa mê cung
-> Bài học: Để đến được đích, có rất nhiều đường đi. Nếu nhắm mắt mà đi thì cuối cùng sẽ chết kiệt sức trong sự phức tạp của muôn ngàn ngã rẽ trong cuộc đời này. Đã từng có rất nhiều học sinh “chọn nhầm nghề”, nhiều sinh viên bỏ trường, nhiều người đi làm bỏ việc, cả đời lang thang hết công ty này đến xí nghiệp kia. Đó là những số phận “để mặc cho dòng đời xô đẩy”.
-> Vì vậy, muốn đi cho tốt, phải có kế hoạch để định hướng, đó chính là chiếc bản đồ để bạn khỏi đi lạc trong mê cung cuộc đời này.
7 cách lên “bản đồ” cho bạn
1. Viết ra giấy: Một số cuộc điều tra đã chỉ ra rằng những ai lúc còn trẻ viết ước mơ của mình ra giấy đã thành công gấp đôi những người chỉ để nó trong đầu.
2. Tìm ý tưởng chủ đạo: Nhằm thực hiện được ước mơ của bạn. Cũng như tìm ra lối đi tắt trên mê cung trên, ý tưởng này phải là con đường ngắn nhất, hiệu quả nhất.
3. Từng bước nhỏ: Trèo thang phải leo từng bậc. Chia nhỏ mục tiêu của bạn ra càng cụ thể càng tốt, bạn có thể chia mục tiêu theo tuần hoặc tháng là tùy bạn. Khi đã có mục tiêu cụ thể, bạn cứ thế mà thực hiện.
4. Kế hoạch chi tiết: Bước đi đầu tiên là gì, những bước kế tiếp là gì, các mốc thời gian cho mỗi bước, cách thực hiện sao cho khả thi. Kế hoạch càng chi tiết, khả năng thành công càng cao.
Hãy áp dụng công thức 5W: What (bạn muốn đạt được điều gì) – Where (thực hiện ở đâu?) – When (khi nào hoàn thành?) – How (thực hiện bằng cách nào? – Who (sẽ làm với ai?)
5. Nghiên cứu thần tượng: Hãy nghiên cứu cuộc đời của những người thành đạt trong lĩnh vực mà bạn muốn để hiểu họ đã làm thế nào. Đó là một bài học cực kỳ đắt giá.
6. Tìm người cố vấn: Hãy tìm cho ra bằng được ít nhất ba người quan trọng nhất sẵn sàng tư vấn và “chống lưng” cho kế hoạch của bạn. Không ai có thể tự mình làm tất cả và bạn cũng vậy.
7. Đề ra phần thưởng: Ở mỗi mốc mục tiêu, hãy đề ra phần thưởng để tự kích thích bản thân mình.
Bài tập: Hãy tìm cho mình một nơi yên tĩnh để suy nghĩ những việc cần làm sắp tới. Nhớ mang theo giấy và viết.
Lưu ý: Những mục đích tốt đẹp cuối cùng của mỗi người không phải tự nhiên mà có. Nó là kết quả của một quá trình trải nghiệm lâu dài. Bạn phải sống trải nghiệm ở nhiều ngõ ngách của cuộc sống, càng gặp nhiều biến cố thì càng mau nhận ra mục đích sống của mình. Thế nên, đừng từ chối cơ hội được thử mình, đừng quá sợ hãi thất bại.
Có thể bạn sẽ mất một ngày, một tuần, một tháng hoặc thậm chí một năm để trả lời câu hỏi lớn này. Nhưng bạn sẽ không phí cả quãng đời còn lại!
Không có bất hạnh nào bằng sống mà không biết mình sống để làm gì. Mỗi người chúng ta đều chỉ có một cuộc đời, mà cuộc đời thì có bao lâu… Đừng đốt tuổi trẻ vào những tháng năm sống hoài sống phí. Năm mới đến rồi, đã đến lúc để bạn tìm một điều ý nghĩa hơn cho cuộc đời mình rồi đó.
Th.s Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu
(Khoa Tâm lý Giáo dục, ĐH Sư phạm TP.HCM)
(VTM Xuân)
|